1. Chính sách của Nhà nước về phòng, chống ma túy: Bổ sung và làm rõ rất nhiều chính sách về phòng, chống ma túy, trong đó nhấn mạnh “Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy” và “Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất, nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ”.
2. Các hành vi bị nghiêm cấm: Bổ sung một số hành vi bị cấm mới cho phù hợp với thực tiễn như: Hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy; Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất; Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy; Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy; Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.
3. Trách nhiệm phòng, chống ma túy: Tập trung các nội dung vào từng nhóm như trách nhiệm của gia đình, cá nhân; trách nhiệm của cơ quan nhà nước; trách nhiệm của cơ sở giáo dục; trách nhiệm của cơ quan báo chí; Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức khác.
4. Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy: Bổ sung quy định trách nhiệm xử lý của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy, cụ thể: Trên cùng một địa bàn khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của nhiều cơ quan thì cơ quan phát hiện trước có trách nhiệm xử lý theo thẩm quyền do pháp luật quy định; trường hợp vụ việc không thuộc thẩm quyền của mình thì chuyển giao hồ sơ, người, tang vật vi phạm pháp luật cho cơ quan có thẩm quyền chủ trì giải quyết.
Đáng lưu ý, Điều 32 của Luật quy định rõ đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Theo đó, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; trong thời hạn cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện. Quy trình cai nghiện ma túy cũng được bổ sung, gồm 5 giai đoạn: tiếp nhận, phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các rối loạn tâm thần, điều trị các bệnh lý khác; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, học nghề; chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng./.