TUYÊN TRUYỀN CÁC NGÀY LỄ LỚN TRONG THÁNG 9 NĂM 2024

Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9) - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường (05/9) - Ngày Quốc tế xoá mù chữ (08/9) - Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9) - Ngày Quốc tế hoà bình (21/9).

1- Ngày Quốc khánh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9)

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, trịnh trọng tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là thành quả vĩ đại của Cách mạng tháng Tám và ngày 2/9/1945 trở thành mốc lịch sử trọng đại của đất nước, mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Sau khi Hà Nội và miền Bắc khởi nghĩa thắng lợi, ngày 25/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu trở về ngoại thành Hà Nội. Chiều hôm sau, Đoàn Trung ương đón Người về ở căn gác 2, nhà số 48, phố Hàng Ngang, Hà Nội để trực tiếp chỉ đạo phong trào. Người đã chủ tọa phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng bàn về công tác đối nội, đối ngoại và đưa ra quyết định về việc khẩn trương tổ chức lễ ra mắt chính phủ lâm thời.

Ngày 2/9/1945, từ sáng sớm, hàng chục vạn người hàng ngũ chỉnh tề, cờ hoa khoe sắc, áo quần tươi màu đỏ thắm đã dồn về Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.

Trên lễ đài lớn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của đông đảo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đã trang trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào cả nước và toàn thể nhân loại trên thế giới, bắt đầ từ nay Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ra đời.

Khẳng định về quyền con người và quyền của mỗi dân tộc là chính đáng, mở đầu Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ “ Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưa cầu hạnh phúc” và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Người nhấn mạnh “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”.

Thay mặt Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thể giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy.”

Bản Tuyên ngôn độc lập đã mở ra một kỷ nguyên mới, lần đầu tiên người dân Việt Nam có quyền ngẩng cao đầu, tự hào mình đã trở thành công dân của một nước tự do và độc lập. Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 đã trở thành sức mạnh to lớn của toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đã kiên cường đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và chế độ phong kiến. Ba mươi năm sau ngày “Tuyên ngôn độc lập”, năm 1975, Đảng ta, quân dân ta đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử vẻ vang: Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đã và đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

2 - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường (05/9)

Tháng 9 đã đi vào trang lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam với những mốc son chói lọi: Ngày 02/09/1945 Chủ Tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày 05/09/1945 là ngày khai trường đầu tiên của học sinh, sinh viên Việt Nam, để rồi từ đây, các em học sinh được hưởng một nền giáo dục của nước nhà hoàn toàn độc lập. Từ đó đến nay, ngày 05/9 trở thành “Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Ngày 5/9 là Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường là một phong tục đẹp của người dân Việt Nam, nhằm chăm lo cho tương lai của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Các bậc phụ huynh, các đồng chí trong chi bộ, cán bộ, viên chức, công chức, … hãy đưa con em mình đến trường; đây là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi gia đình, là minh chứng cho sự quan tâm của cha mẹ đối với con em mình và của cộng đồng xã hội đối với giáo dục./.

3 - Ngày Quốc tế xoá mù chữ (08/9)

Năm 1965, UNESCO chọn ngày 8/9 hằng năm là ngày Quốc tế xoá nạn mù chữ, nhằm nâng tầm quan trọng của việc biết đọc, biết viết đối với sự phát triển của con người.

Tại Việt Nam, ngày 8/9/1945, Chính phủ đã ban hành ba sắc lệnh về chống nạn thất học, đặt sự nghiệp bình dân học vụ vừa là một phong trào cách mạng, vừa là thiết chế giáo dục của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kể từ đó, công cuộc học tập của nhân dân Việt Nam đã bước lên tầm cao mới, để hôm nay, phong trào học tập thường xuyên, suốt đời đã lan tỏa, góp phần xây dựng xã hội học tập trong cả nước.

Xây dựng xã hội học tập, trong đó hạt nhân là các công dân được học tập suốt đời. Đây là nền tảng vững chắc cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và phát triển đất nước bền vững do lực lượng lao động luôn được bồi đắp tri thức, các kiến thức mới. Nhà nước đảm bảo mọi điều kiện, tạo cơ hội cho họ được học tập suốt đời theo đúng tinh thần "Học không bao giờ cùng" như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

4- Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/9)

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là một bộ phận cấu thành của hệ thống chính trị, có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; góp phần tạo đồng thuận xã hội và gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Ngày 10-9-1955: Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo đó, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội từ ngày 5 đến 10-9-1955 đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước. Từ ngày thành lập, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam luôn thống nhất về ý chí và hành động, xứng đáng là người đại diện của quần chúng nhân dân; xây dựng, tập hợp các tầng lớp nhân dân thành một khối đoàn kết, tạo thành sức mạnh để hoàn thành công cuộc giành độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước. 

5- Ngày Quốc tế hoà bình (21/9).

Ngày Quốc tế Hòa Bình 21/9 còn được biết đến với một số tên gọi quen thuộc như: Ngày Quốc tế vì Hòa bình, Ngày Hòa bình thế giới hay Ngày Quốc tế phòng chống chiến tranh. Ngày lễ này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Ngày Quốc tế Hòa bình được ra đời nhằm tôn vinh hòa bình và kêu gọi chấm dứt chiến tranh, bạo động, bạo lực và bất công trên khắp thế giới. 

Được sống trong hòa bình, không có chiến tranh hay bạo lực. Một thế giới mà ở đó con người sẽ được sống trong hòa bình và hạnh phúc, không nơi nào còn trải qua cảnh mưa bom bão đạn, bạo lực đổ máu là khát vọng của toàn nhân loại. Ngày Quốc tế Hòa bình hay ngày Hòa bình thế giới là một sự kiện diễn ra thường niên vào ngày 21 tháng 9. Ngày này được Liên Hợp Quốc khởi xướng lần đầu tiên vào năm 1981 nhằm kỷ niệm, tôn vinh hòa bình và phản đối chiến tranh, bạo lực, bất công trên toàn thế giới. Năm 2002, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 21/9 hằng năm là Ngày Quốc tế hòa bình, trong đó nhấn mạnh các nước thành viên Liên hợp quốc cần tiếp tục tăng cường và nuôi dưỡng nền văn hóa hòa bình và không bạo lực trong ứng xử ở mọi cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế./.

Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Khoa Dân số - Truyền thông - CSSKSS, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận