TUYÊN TRUYỀN CÁC NGÀY LỄ LỚN TRONG THÁNG 7 NĂM 2024

Kỷ niệm 15 năm Ngày BHYT Việt Nam (01/7/2009 - 01/7/2024) - Ngày truyền thống Thanh niên xung phong (15/7) - Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7) - Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7)

1- Kỷ niệm 15 năm Ngày BHYT Việt Nam (01/7/2009 - 01/7/2024).

Bảo hiểm y tế là chính sách an sinh của Đảng và Nhà nước, vì quyền lợi của người dân, được Nhà nước bảo hộ, do cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện. Vì mục tiêu bảo vệ, nâng cao sức khỏe Nhân dân, ngày 16/6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 823/QĐ-TTg, lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam”. Việc lấy ngày 01 tháng 7 hàng năm là Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam thể hiện ý chí và quyết tâm thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, tạo điều kiện để mọi người dân được chăm sóc sức khỏe, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực bảo vệ và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Hàng năm, Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam là dịp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân vì sức khỏe của bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội, vì an sinh đất nước; động viên và nâng cao ý thức, trách nhiệm của những người làm công tác BHYT và cán bộ, nhân viên ngành y tế.

2 - Ngày truyền thống Thanh niên xung phong (15/7)

Nguồn gốc: Theo chỉ thị của Bác Hồ, ngày 15/7/1950, Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam thành lập đơn vị Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên tại núi Hồng, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Thành viên lúc bấy giờ có 225 đội viên để phục vụ chiến dịch Biên giới. Đây cũng chính là nguồn gốc Ngày truyền thống Thanh niên xung phong.

Theo nguyện vọng của đông đảo cán bộ, đội viên thanh niên xung phong các thế hệ, theo đề nghị của Ủy Ban Thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, ngày 30/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định 382/TTg năm 1995 lấy ngày 15/7 hàng năm làm Ngày truyền thống của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam.

Kể từ đó đến nay, ngày 15/7 là ngày truyền thống đặc biệt quan trọng đối với lực lượng Thanh niên xung phong, mang đến nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Đây là dịp để cả nước nhớ về những thanh niên xung phong kiên cường, dũng cảm không khuất phục và đầu hàng dưới tay địch, hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Ngay cả trong thời bình, những phẩm chất quý giá của lực lượng Thanh niên xung phong vẫn được duy trì và phát huy, vì thế, ngày truyền thống Thanh niên xung phong ra đời để tôn vinh những “anh hùng” Thanh niên xung phong luôn hết mình bảo vệ đất nước.

Thanh niên xung phong luôn là nguồn tự hào của dân tộc. Ngày nay, lực lượng thanh niên xung phong tiếp tục giữ vững tinh thần cách mạng, luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống và tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

3 - Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7)

Năm 2024, ngày 27/7 là kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ.

Nguồn gốc: Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh - Liệt sĩ của cả nước. Mỗi năm cứ đến Ngày Thương binh - Liệt sĩ, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta lại tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội sâu sắc, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã hi sinh, cống hiến vì độc lập, tự do và thống nhất của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; qua đó phát huy tinh thần yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.

4 - Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7)

Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam.

Những năm 1925 - 1928, dưới sự lãnh đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phong trào "Vô sản hóa" đã thâm nhập sâu rộng vào trong các nhà máy, xí nghiệp, hầm lò để tuyên truyền, vận động công nhân tích cực tham gia phong trào đấu tranh. Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929), đặc biệt là sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929) là kết quả của quá trình vận động, tổ chức công nhân mà Nguyễn Đức Cảnh là một trong những sáng lập viên và giữ vai trò quan trọng. Trên cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương lâm thời, Nguyễn Đức Cảnh được Trung ương lâm thời phân công phụ trách công tác vận động công nhân.

Nhận thức được vai trò quan trọng của tổ chức Công hội, của công nhân trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, bóc lột, bảo vệ quyền lợi của công nhân, Nguyễn Đức Cảnh và những người đồng chí đã tích cực tổ chức cuộc vận động phong trào công nhân, trước hết là phong trào công nhân Bắc Kỳ để thành lập tổ chức Công hội. Ngày 28/7/1929, Đại hội đại biểu Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ lần thứ nhất khai mạc do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì. Đại hội đã quyết định thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ, thông qua Điều lệ và hệ thống tổ chức của Công hội, ra báo "Lao động" và tạp chí "Công hội Đỏ", bầu Ban Chấp hành Trung ương lâm thời do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh làm Hội trưởng. Sự kiện thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ là mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Kể từ đây, giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, đứng ra dẫn dắt phong trào.

Chặng đường 95 năm (28/7/1929 – 28/7/2024) xây dựng và phát triển, trải qua 13 kỳ Đại hội, Công đoàn Việt Nam, giai cấp công nhân Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các ngành nghề, các thành phần kinh tế, là lực lượng quan trọng, đi đầu, có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 2024, kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của phong trào công nhân, viên chức, lao động, của tổ chức Công đoàn Việt Nam; khẳng định vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, truyền thống vẻ vang và những đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam trong các giai đoạn cách mạng của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là dịp để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cùng nhân dân cả nước ôn lại, phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam; ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Khoa Dân số - Truyền thông - CSSKSS, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận