Truyền thông về bệnh Uốn ván sơ sinh

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium tetani. Vi khuẩn theo các vết thương ngoài da, vết trầy sướt do giẫm phải miếng sành nhiễm bẩn hay đinh gỉ xâm nhập vào cơ thể. Tất cả các lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh. Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thường là qua đường rốn. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rất cao từ 70% đến 80% do suy hô hấp, bội nhiễm và suy dinh dưỡng. Vì vậy uốn ván rốn được xem là một trong 5 tai biến sản khoa.

Uốn ván là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Clostridium tetani.

Vi khuẩn theo các vết thương ngoài da, vết trầy sướt do giẫm phải miếng sành nhiễm bẩn hay đinh gỉ xâm nhập vào cơ thể.

Tất cả các lứa tuổi đều có thể bị mắc bệnh. Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thường là qua đường rốn. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh bị uốn ván rất cao từ 70% đến 80% do suy hô hấp, bội nhiễm và suy dinh dưỡng. Vì vậy uốn ván rốn được xem là một trong 5 tai biến sản khoa.

Uốn ván rốn xảy ra do dụng cụ cắt rốn không đảm bảo vô trùng, do người đỡ đẻ không rửa tay sạch, do băng gạc không vô trùng hoặc do chăm sóc rốn không sạch sẽ. Trường hợp bé bị sanh rớt hoặc sanh ở nhà dễ bị uốn ván rốn do thiếu phương tiện vô trùng để cắt và chăm sóc rốn.

Triệu chứng đầu tiên của uốn ván ở trẻ sơ sinh là bỏ bú hoặc bú rất khó khăn, bé không há miệng được. Sau 24 giờ triệu chứng ngày càng nặng như cứng hàm liên tục, co cứng toàn thân. Mặt, cổ, lưng, bụng, chân tay đều co cứng, hai tay nắm chặt. Mỗi tiếng động hoặc mỗi lần chạm vào trẻ đều gây toàn thân bé co cứng. Trường hợp nặng sẽ xảy ra những cơn co giật liên tục, có khi ngưng thở, gây tử vong. Quan sát rốn thấy biểu hiện nhiễm trùng rốn: rốn ướt, rịn nước vàng, có mủ, có mùi hôi, viêm đỏ. Các bà mẹ cần quan sát, phát hiện sớm khi trẻ mới bắt đầu bỏ bú hoặc rốn rịn nước để đưa trẻ đi khám bệnh và điều trị kịp thời.

Các biện pháp phòng bệnh

- Phải loại trừ một số tập quán, thói quen sinh đẻ, đỡ đẻ phản khoa học; Tốt nhất nên đến cơ sở y tế để sinh đẻ, không nên sinh đẻ tại nhà, nếu có đẻ tại nhà thì phải có cán bộ y tế đỡ.

- Phụ nữ mang thai nên được tiêm phòng uốn ván.

+ Với người chưa tiêm phòng uốn ván lần nào: Tiêm mũi đầu khi phát hiện thai nghén (tốt nhất tháng thứ 4 - thứ 6 của kỳ thai nghén); mũi tiêm thứ hai cách mũi tiêm thứ nhất ít nhất một tháng và phải cách thời gian dự kiến sinh ít nhất 1 tháng.

+ Với thai phụ đã tiêm đủ 2 mũi, nếu lần tiêm trước dưới 5 năm thì tiêm 1 mũi; nếu lần tiêm trước trên 5 năm thì tiêm 2 mũi.

+ Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được khuyến khích tiêm đủ năm mũi phòng uốn ván theo lịch để có miễn dịch lâu dài cho bản thân và phòng uốn ván sơ sinh.

Mũi thứ 1: Tiêm ở tuổi dậy thì hoặc từ 16 tuổi;

Mũi thứ 2: Tiêm cách mũi 1 ít nhất 30 ngày;

Mũi thứ 3: Tiêm cách mũi 2 ít nhất 06 tháng hoặc khi có thai lại;

Mũi thứ 4: Tiêm cách mũi 3 ít nhất 01 năm hoặc khi có thai lại;

Mũi thứ 5: Tiêm cách mũi 4 ít nhất 01 năm hoặc khi có thai lại.

- Trẻ em được tiêm chủng đầy đủ theo đúng Lịch của Chương trình tiêm chủng quốc gia.

Lưu ý khi chăm sóc rốn tại nhà: Rửa tay thường quy bằng nước và xà bông; tháo băng rốn; quan sát rốn và da quanh rốn để phát hiện dấu hiệu bất thường; rửa tay hoặc sát trùng tay lại bằng dung dịch cồn 70o; sát trùng rốn bằng que vô trùng tẩm cồn; băng rốn lại./.

Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Khoa Dân số - Truyền thông - CSSKSS, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận