Truyền thông phòng, chống bệnh Tay - Chân - Miệng

Bệnh Tay - Chân - Miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi rút thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ em do vi rút thuộc nhóm enteroviruses gây nên, bao gồm vi rút Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt, ban dưới dạng các vết loét gây đau đớn ở niêm mạc miệng và các nốt phỏng nước trên nền ban đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân và ở vùng mông. Tuy nhiên không phải ai nhiễm bệnh cũng xuất hiện triệu chứng và đôi khi triệu chứng duy nhất là lở miệng và phát ban trên da.

Bệnh Tay - Chân - Miệng thường gặp chủ yếu ở trẻ dưới 10 tuổi; người lớn cũng có thể mắc bệnh, song phổ biến nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ nhỏ có xu hướng có các triệu chứng nặng hơn.

Bệnh Tay - Chân - Miệng thường ở dạng nhẹ và gần như tất cả bệnh nhân phục hồi trong 7-10 ngày mà không cần điều trị y tế. Mặc dù biến chứng hiếm gặp, song bệnh Tay - Chân - Miệng do Enterovirus 71 (EV71) có thể gây biến chứng nghiêm trọng ở trẻ em và có thể gây viêm màng não, viêm não và đôi khi tử vong.

Enteroviruses gây bệnh Tay - Chân - Miệng lây lan thông qua tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết mũi họng, nước bọt, dịch của bọng nước, phân của người bệnh. Một số người nhiễm bệnh là người lớn có thể đào thải vi rút ra ngoài cơ thể song không có biểu hiện triệu chứng.

Bệnh Tay - Chân - Miệng cũng có thể lây lan khi người khỏe tiếp xúc với các dụng cụ hoặc bề mặt đã bị vấy nhiễm do người bệnh chạm vào.

Hiện chưa có thuốc hay vắc xin đặc hiệu chống enteroviruses gây bệnh Tay - Chân - Miệng. Có thể làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng thực hành vệ sinh tốt và chăm sóc y tế kịp thời cho những trẻ có triệu chứng bệnh nặng.

Các biện pháp phòng bệnh gồm: Thường xuyên rửa tay xà phòng, cọ rửa các bề mặt và vật dụng đã bị vấy nhiễm, kể cả đồ chơi, trước tiên bằng nước và xà phòng, sau đó khử trùng bằng dung dịch thuốc tẩy có chứa chlorine pha loãng; tránh tiếp xúc gần với người bệnh.

Cách ly trẻ có triệu chứng bệnh Tay - Chân - Miệng tại nhà có thể không ngăn được sự xuất hiện thêm các ca bệnh vì nhiều tuẩn sau khi triệu chứng biến mất vẫn còn có vi rút được thải ra ngoài theo phân của người bệnh.

Cách ly trẻ bị bệnh ở nhà cho đến khi hết sốt và các nốt bóng nước trong miệng hoặc trên da biến mất cũng có thể hữu ích để giảm bớt lây truyền bệnh./.


Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Phòng Dân số - Truyền thông, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận