Theo các số liệu thống kê mới nhất, sau 10 năm tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường ở Việt Nam đã tăng gấp 2 lần từ gần 3% dân số lên đến 5,4%. Ước tính nước ta có khoảng 3 triệu người bệnh.
Khi mắc bệnh tiểu đường, cơ thể bạn không chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm bạn ăn vào hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.
Tiểu đường típ 1: Người mắc bệnh bị thiếu insulin do tuyến tụy không sản xuất insulin. Tiểu đường típ 1 hiếm gặp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người trẻ chiếm dưới 10% số người mắc bệnh.
Tiểu đường típ 2: Những người bị tiểu đường típ 2 bị đề kháng với insulin. Nghĩa là cơ thể vẫn có thể sản xuất insulin nhưng nó không thể chuyển hóa được glucose. Khoảng 90% đến 95% người bị tiểu đường trên thế giới là típ 2.
Nguyên nhân gây bệnh:
Bên cạnh yếu tố như di truyền, lão hóa, thì nguyên nhân chính là do lối sống thiếu lành mạnh với các hành vi nguy cơ như dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, hút thuốc và lạm dụng rượu bia.
Triệu chứng
- Người bệnh thèm ăn, ăn nhiều, nhiều người gầy sút nhanh, trẻ chậm phát triển
- Khát nước, uống nhiều, đi tiểu nhiều, nhất là ban đêm
- Nước tiểu có nồng độ đường cao, ruồi bâu, kiến đậu, khi khô thường để lại các vết bẩn hoặc mảng trắng
- Người đái tháo đường thường dễ bị dị cảm và nhiễm trùng
- Ở những người béo phì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng, người béo phì độ I có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường tăng lên gấp 4 lần, người béo phì độ II tỷ lệ bệnh tăng lên 30 lần so với bình thường. Người ít hoạt động thể lực, người cao tuổi tỷ lệ mắc đái tháo đường cũng cao hơn.
Chẩn đoán bệnh đái tháo đường: Cần xét nghiệm máu đo đường huyết lúc đói, theo tổ chứ y tế thế giới, chẩn đoán xác định đái tháo đường khi nồng độ Glucose trong huyết tương lúc đói ≥ 7,0 mmol/l hoặc nồng độ Glucose trong máu toàn phần lúc đói ≥ 6,1 mmol/l.
Cách phòng ngừa:
- Có chế độ ăn uống hợp lý nhằm kiểm soát cân nặng và lượng mỡ dư thừa, cần ăn nhiều rau, trái cây, thực phẩm tự nhiên còn tươi, tránh ăn thực phẩm chế biến sẵn hoặc thực phẩm nhiều chất béo. Nói không với hút thuốc lá, không lạm dụng rượu, bia.
- Tăng cường hoạt động thể lực, chọn một môn thể thao để luyện tập. Đi bộ là phương pháp dễ thực hiện và không gây tốn kém.
- Xét nghiệm đường máu là cách duy nhất tầm soát bệnh đái tháo đường để sớm phát hiện bệnh. Việc kiểm tra phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm kịp thời tư vấn, hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để giảm tiến triển đến đái tháo đường thật sự. Đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ như người: từ 40 tuổi trở lên; từng được xác định rối loại đường huyết; thừa cân, béo phì; mắc bệnh lý tim mạch; có người thân trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường; phụ nữ từng mắc đái tháo đường thai kỳ./.