Sông Mã thực hiện tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của chính quyền các cấp, các ngành

Để nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm, huyện Sông Mã đã tập trung tuyên truyền đến các cơ sở, nhân dân về các quy định của pháp luật, các tiêu chuẩn, quy định điều kiện và kiến thức khoa học về vệ sinh an toàn thực phẩm với nhiều hình thức phong phú như: Tổ chức tuyên truyền gián tiếp qua hệ thống phát thanh huyện, các xã, thị trấn, các bản, tổ dân phố … ; tuyên truyền trực tiếp tại các bản, tổ dân phố; lồng ghép với các buổi sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt các hội, đoàn thể; ... để phổ biến kiến thức, pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; tổ chức các buổi nói chuyện, tập huấn kiến thức cơ bản cho các đối tượng là người quản lý, sản xuất, nuôi trồng, kinh doanh thực phẩm...

6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện có 419 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đường phố, bếp ăn tập thể. Đa phần các cơ sở đã thực hiện các tiêu chuẩn, quy định điều kiện và kiến thức khoa học về vệ sinh an toàn thực phẩm; tự nguyện, chủ động tìm hiểu và tham gia thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn thực phẩm. Đảm bảo cơ sở vật chất, địa điểm kinh doanh; thực hiện cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm với cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, TTYT huyện phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức 01 lớp tập huấn thành viên BCĐ, lãnh đạo các trường học, người trực tiếp sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm trên địa bàn…; phối hợp với các ngành chức năng thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra theo phân cấp quản lý Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhất là các dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Tết Trung thu và Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và cung cấp thực phẩm. Đặc biệt là các cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, củ, quả, bánh kẹo, rượu; các cơ sở kinh doanh nước giải khát; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố … Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định an toàn thực phẩm và công khai các vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng; biểu dương và công khai các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chấp hành tốt các quy định.

Ngoài ra, TTYT huyện đã tham mưu cho UBND huyện kiện toàn Ban chỉ đạo an toàn vệ sinh thực phẩm của huyện, thành viên BCĐ với chức năng, nhiệm vụ chủ động hướng dẫn người dân trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn như xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, hướng dẫn các cơ sở thực phẩm áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, quản lý chắc đầu vào. 


Ông Nguyễn Chí Chung - PCT UBND huyện phát biểu chỉ đạo tại lớp tập huấn nâng cao năng lực làm công tác an toàn vệ sinh ATTP

Việc kiểm tra, giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm cũng là một trong các nhiệm vụ mà ngành chức năng chú trọng. 6 tháng đầu năm 2022, đoàn kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của huyện đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 280 cơ sở. Trong đó, số cơ sở đạt yêu cầu là 265 cơ sở, số cơ sở bị xử lý vi phạm là 15 cơ sở. Xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền. Các hành vi vi phạm chủ yếu là của các cơ sở chưa tham gia xác nhận kiến thức hoặc tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định; vẫn còn kinh doanh thực phẩm hết hạn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. BCĐ huyện đã kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những sai phạm của các cơ sở nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Đồng thời, định kỳ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn để xử lý theo quy định của pháp luật... Qua đó góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn toàn huyện.

Để công tác an toàn thực phẩm đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, BCĐ huyện yêu cầu TTYT huyện chủ động phối hợp các phòng, ban, ngành cấp huyện, các xã, thị trấn sẽ tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc sử dụng thực phẩm an toàn; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, các bếp ăn tập thể của các trường học; xử lý nghiêm và công khai các trường hợp vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho cộng đồng; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường quản lý thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón, thức ăn chăn nuôi, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Về phía người tiêu dùng, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến chất lượng thực phẩm và thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho bản thân và gia đình. Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện Sông Mã sẽ đạt kết quả tốt hơn nếu có sự tham gia và đồng lòng thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ, quyết liệt từ cơ quan quản lý, người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng./.

Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Khoa Dân số - Truyền thông - CSSKSS, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận