Phòng tránh thai là một việc làm vô cùng quan trọng giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra. Đồng thời tránh được những tai biến sản khoa và không bị lây nhiễm các loại bệnh qua đường tình dục, đảm bảo an toàn sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, tránh mang thai ngoài ý muốn, từ đó góp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình. Tại Sơn La, chiến dịch “Truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đến vùng đông dân, vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn được triển khai từ nhiều năm như một giải pháp tăng cường các biện pháp phòng tránh thai cho phụ nữ
Mỗi năm một lần, Chiến dịch “Truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình lại được tổ chức tại Trạm Y tế xã Mường Hung. Là xã vùng 3 có khoảng 90% là người dân tộc thiểu số, do vậy, công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các chính sách về dân số, kế hoạch hóa gia đình thường xuyên được tổ chức. Hôm nay, các chị em được truyền thông về các biện pháp tránh thai hiện đại, ý nghĩa và sự cần thiết phải áp dụng các biện pháp tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe sinh sản của người phụ nữ.
Khi được hỏi chị Quàng Thị Thủy - Bản Huội Ỏi, Mường Hung, Sông Mã cho biết: Em có 2 đứa, 1 trai 1 gái, đầu tiên đặt vòng nhưng sau có cái u vừa đi mổ, vừa mới tháo vòng được 2-3 tháng thôi. Hiện tại đang uống thuốc tránh thai,… Nếu như có thêm con thì gia đình mình sẽ khó khăn, không lo được cho các cháu. Một năm mình dành thời gian đi khám sức khỏe sinh sản 02 lần. Đầu tiên thì đi khám ở trên huyện, bây giờ đi khám ở xã thôi.
Là một trong 08 xã tham gia Chiến dịch năm 2021, Trạm Y tế xã Mường Hung đã tổ chức đồng loạt các hoạt động khám, tư vấn và cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ như đặt vòng, phát thuốc tránh thai và bao cao su miễn phí cho người dân trong độ tuổi sinh đẻ. Hoạt động này cũng đã được triển khai rộng khắp tại 08/19 xã, thị trấn của huyện Sông Mã. Qua việc triển khai chiến dịch nhằm cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ đến đông đảo người dân, từng bước gia tăng tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, từ đó kéo giảm tình tạng sinh con thứ 3 trở lên.
Bác sỹ Đinh Văn Hùng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mường Hung, Sông Mã cho biết: Trạm Y tế chúng tôi đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến dịch để làm sao cho phù hợp với tình hình dịch bệnh. Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tổ chức chiến dịch trong khoảng 1 tuần. Chúng tôi đã tổ chức tuyên truyền, truyền thông, vận động các đối tượng. Trong chiến dịch chúng tôi sẽ tổ chức từ 400-500 người, hiện tại chúng tôi đang tiến hành triển khai. Bà con đến khám rất là đông, cơ bản đạt chỉ tiêu đề ra.
Việc triển khai Chiến dịch buộc phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch như không được tập trung quá đông người, những người tham gia phải đeo khẩu trang, sát khuẩn tay. Để đảm bảo việc cung cấp kịp thời các dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ, các Trạm Y tế phải bố trí thêm phòng khám và tăng cường nhân lực trong suốt quá trình triển khai chiến dịch. Từ khâu tiếp đón, khám, tư vấn và cung cấp dịch vụ. Chiến dịch đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo người dân.
Chị Bạc Thị Long - Bản Huổi Ỏi, Mường Hung, Sông Mã cho biết: Tôi hôm nay đến đây để khám phụ khoa định kỳ, vợ chồng tôi đã sinh được 2 con rồi, 1 trai 1 gái bây giờ không muốn có thêm con thứ 3 nữa thế nên tôi đã đặt vòng. Khi dùng các biện pháp khác thì tôi hay bị quên nên đặt vòng tôi thấy rất an toàn, tôi đã đặt vòng được 8 năm nay rồi.
Theo kế hoạch, Chiến dịch Truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình trên địa bàn huyện Sông Mã năm 2021 được triển khai tại 8 xã gồm Chiềng Khoong, Chiềng Cang, Mường Hung, Chiềng Sơ, Nậm Ty, Yên Hưng, Bó Sinh và Đứa Mòn. Đây là những xã thuộc vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân còn hạn chế.. Việc tổ chức chiến dịch ngay tại cấp xã có ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ phòng tránh thai và chống viêm nhiễm đường sinh sản đến các đối tượng sử dụng.
Bà Lò Thị Thành - PGĐ Trung tâm Y tế huyện Sông Mã cho biết: So với mọi năm thì có nhiều cái khác, quy mô ít hơn, năm 2021 với tình hình dịch bệnh chung toàn tỉnh thì Trung tâm Y tế Y tế huyện Sông Mã tổ chức chiến dịch tại 08 xã có mức sinh cao, vùng đông dân, vùng khó khăn trên địa bàn huyện. Trong quá trình triển khai thì Trung tâm Y tế đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể như Đoàn Thanh niên CSHCM, Hội Liên hiệp phụ nữ tổ chức tuyên truyền, vận động tới tất cả cán bộ đảng viên và nhân dân, đặc biệt là những đối tượng đã sinh đủ 2 con có ý định sinh con thứ 3 và những cặp vợ chồng sinh con 1 bề là gái và tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc tổ chức các hoạt động truyền thông bị hạn chế, Trung tâm Y tế huyện Sông Mã đã chỉ đạo các Trạm Y tế, đội ngũ cán bộ và cộng tác viên dân số tăng cường truyền thông nhóm nhỏ, tư vấn hộ gia đình. Việc triển khai chiến dịch được triển khai linh hoạt tại các địa phương. Các hoạt động truyền thông tập trung vào đối tượng đích là các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, các gia đình sinh con 1 bề trai hoặc 1 bề gái. Tùy từng địa phương mà lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp, trong đó chú trọng bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các gia đình, kịp thời tuyên truyền áp dụng các biện pháp tránh thai phù hợp, ngăn chặn tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, lựa chọn giới tính thai nhi ở các gia đình, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và các vùng đông dân.
Chị Nguyễn Thị Kim Hương - Cán bộ chuyên trách dân số, TYT xã xã Chiềng Cang, Sông Mã cho biết: Nói chung là không phải ai cũng chấp hành, phần lớn là do tư tưởng của người dân phải có con trai để nối dõi tông đường, nhiều nhà có quan niệm là 10 người con gái không bằng 1 người con trai, vậy nên họ vẫn sinh đến khi nào có con trai thì thôi, nhưng cũng có 1 số gia đình hiểu được sinh đủ 2 con để nuôi dạy cho tốt, dù trai hay gái.
Chiến dịch Truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đến các vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn là hoạt động chuyên đề của ngành Y tế được tổ chức hàng năm và được đánh giá mang lại những hiệu quả tích cực. Năm 2021, tỉnh Sơn La chiến dịch tiếp tục được triển khai đến 92 xã vùng đông dân, vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao trên địa bàn tỉnh, mục đích là chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển, nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn xã hội trong việc triển khai chính sách dân số và phát triển ở địa phương. Tăng cường công tác truyền thông, vận động tới các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong thực hiện chăm sóc SKSS, KHHGĐ và tự nguyện chấp hành các biện pháp tránh thai an toàn để không mang thai ngoài ý muốn, sinh đủ 2 con theo đúng chính sách, phấn đấu đạt mức sinh thay thế trong thời gian tới.
Bà Nguyễn Thị Liễu - Chi cục trưởng Chi cục Dân số KHHGĐ tỉnh cho biết: Chiến dịch này qua đánh giá thực sự rất là hiệu quả, chiến dịch này đã được triển khai rất nhiều năm qua, đối tượng thụ hưởng thì đã được đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số và cộng tác viên truyền thông về các biện pháp tránh thai, lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng cuộc sống. Khi tổ chức chiến dịch, các đối tượng thụ hưởng tham gia rất là đông. Năm 2021 cũng đã chỉ đạo các đơn vị khi thực hiện cung cấp dịch vụ thì thực hiện giãn cách và đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch. Các đối tượng đến tham gia hưởng ứng chiến dịch thì Trạm Y tế phải chuẩn bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn để đảm bảo quy định phòng chống dịch.
So với mọi năm thì chiến dịch năm 2021 được tổ chức chậm hơn. Chiến dịch được tổ chức tại Trạm Y tế xã từ 5 đến 7 ngày, cung cấp 2 gói dịch vụ chính là kế hoạch hóa gia đình và khám phụ khoa. Ngoài ra, tùy tình hình cụ thể có thể triển khai thêm hoạt động tư vấn, khám sức khỏe vị thành niên, thanh niên; tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, triển khai các mô hình nâng cao chất lượng dân số…
Việc tổ chức Chiến dịch truyền thông, vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, kế hoạch hoá gia đình đã huy động sự tham gia của các cấp, các ngành và đông đảo người dân trên địa bàn, tạo điều kiện cho hàng chục nghìn người dân được tiếp cận và hưởng lợi từ các dịch vụ y tế, chăm sóc SKSS, KHHGĐ, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân./.