Sông Mã quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Những năm qua, huyện Sông Mã luôn quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giúp nhiều lao động đã có việc làm, ứng dụng kiến thức vào sản xuất, tăng năng suất và hiệu quả lao động, góp phần nâng cao đời sống.


Các học viên học ủ thức ăn cho gia súc.

Để công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện đảm bảo đúng đối tượng và hiệu quả, UBND huyện Sông Mã đã chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện phối hợp với các đoàn thể, các xã tích cực triển khai công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của nông dân trên địa bàn để xác định độ tuổi, trình độ, nguyện vọng của từng lao động; hướng dẫn đăng ký học nghề. Qua khảo sát, nhu cầu học nghề của lao động địa phương giai đoạn 2016-2020, nhóm nghề nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp chiếm trên 90%, còn lại là nhóm nghề phi nông nghiệp (công nghiệp, xây dựng, dịch vụ). Trên cơ sở đó, huyện xây dựng kế hoạch định hướng nghề nghiệp cụ thể, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp cho từng đối tượng lao động.

Trong 5 năm (2016-2020), huyện Sông Mã đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 1.300 lao động nông thôn trình độ sơ cấp nghề; trong đó, hơn 1.100 lao động học nghề nông nghiệp (chăn nuôi gia súc, gia cầm, thú y, trồng nhãn, cây dược liệu...), còn lại là lao động học nghề may công nghiệp, xây dựng... Đến nay, có hơn 70% lao động nông thôn sau học làm đúng với nghề được đào tạo. Qua các lớp học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với các ngành nghề mới, thêm cơ hội có việc làm, nâng cao thu nhập; áp dụng thành công tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị vật nuôi, cây trồng. Qua thực tế mở các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện cho thấy, lĩnh vực dạy nghề trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm có tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo cao hơn, do người học nghề được bổ sung, nâng cao kỹ năng và kiến thức, áp dụng kỹ thuật vào thực tế các mô hình nông nghiệp sẵn có của gia đình. Cụ thể như mô hình nuôi gà bố mẹ gắn với máy ấp trứng ở bản Hải Sơn, xã Chiềng Khoong; mô hình trồng cây ăn quả trên đất dốc tại bản Huổi Co, xã Mường Cai; mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc ở xã Mường Lạn...

Ông Nguyễn Duy Đông, bản Quyết Tiến, xã Nà Nghịu, cho biết: Từ những kinh nghiệm học được từ lớp dạy nghề, tôi đã ứng dụng vào việc cải tạo lai ghép hơn 40 gốc nhãn chín sớm T6 và duy trì chăm sóc gần 2 ha nhãn ghép. Từ khâu làm đất, chọn mua cây đến chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đều áp dụng đúng kỹ thuật được học, vì thế cây sinh trưởng tốt, cho năng suất, chất lượng cao hơn. Vụ mùa năm 2019, gia đình tôi thu trên 18 tấn nhãn, thu nhập hơn 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả cho bà con khu vực lân cận.

Với mục tiêu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt trên 35%, từ nay đến năm 2025, huyện Sông Mã phấn đấu đào tạo nghề cho 2.850 lao động nông thôn, trên 80% lao động có việc làm sau khi học nghề. Huyện đề ra nhiều giải pháp, như: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về dạy nghề, quan tâm dạy nghề cho những đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách; xây dựng và nhân rộng các mô hình dạy nghề hiệu quả. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề; điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu, xác định danh mục đào tạo nghề cho người lao động, nhu cầu lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp; chủ động liên kết với trường dạy nghề để mở các lớp dạy nghề phù hợp với địa phương.

Tiến Mạnh
Tiến Mạnh

Hy vọng rằng với nội dung trên chúng tôi đã mang lại một giá trị nào đó gửi đến bạn. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bạn bằng cách để lại bình luận. Cảm ơn bạn đã theo dõi./

Bình luận0 bình luận