Nội dung tuyên truyền tháng 3 năm 2024

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959 - 03/3/2024); Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3; Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3); Ngày Thể thao Việt Nam (27/3); Ngày Thành lập lực lượng Dân quân tự vệ (28/3).

1. Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959 - 03/3/2024)

Lịch sử ra đời ngày thành lập Bộ đội Biên phòng: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi việc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Để tăng cường công tác quản lý, Đảng nhận thấy rằng cần có một lực lượng riêng biệt, vững mạnh để có thể bảo vệ được tuyến biên giới của Tổ quốc.

 Ngày 3-3-1959: Bộ đội Biên phòng được thành lập. Đây là lực lượng vũ trang có chức nǎng bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ quốc gia khu vực biên giới.

Vào ngày 17/6/2003, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã lấy ngày 3/3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân. Sau 65 năm xây dựng, chiến đấu và phát triển thì Bộ đội Biên phòng luôn hoàn thành được các nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc.

Ý nghĩa ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng: Sự ra đời của Bộ đội Biên phòng đã mang nhiều công lao to lớn đối với Tổ quốc. Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng cũng mang nhiều ý nghĩa đối với đất nước và toàn dân:

- Nâng cao ý thức cảnh giác, tinh thần trách nhiệm của toàn dân các dân tộc ở biên giới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

- Tăng tinh thần đoàn kết giữa lực lượng biên phòng và nhân dân và các lực lượng khác, chống mọi hành vi xâm phạm vùng lãnh thổ biên giới của Tổ quốc.

- Là dịp để khen thưởng những lực lượng, nhân dân đã có công trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng biên giới.

2. Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Ngày 8/3 là Ngày Quốc tế Phụ nữ hay Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế. Ngày này được Liên Hợp Quốc chính thức hóa vào năm 1977. Ngày Quốc tế phụ nữ phát triển từ phong trào lao động và trở thành sự kiện thường niên được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận.

Vào ngày 8/3 hàng năm, nhiều quốc gia trên thế giới dành để tôn vinh và kỷ niệm cuộc đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ trên toàn thế giới. Trong ngày này, phụ nữ nhận được sự quan tâm và tôn trọng hơn từ nửa thế giới còn lại.

3. Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3)

Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 được Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon chính thức công bố tại một hội nghị của Liên Hợp Quốc về vấn đề này từ tháng 6/2012.

Ngày Quốc tế hạnh phúc được lấy từ ý tưởng từ Bhutan, quốc gia vốn được đánh giá là hạnh phúc nhất thế giới dựa trên các yếu tố như sức khoẻ, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống của người dân. Đại diện quốc gia Bhutan cho rằng, nhu cầu về Ngày Hạnh phúc này là đối với tất cả quốc gia và con người trên toàn thế giới để có những bước vượt lên trên sự khác biệt giữa các nước và con người trên toàn thế giới, và liên kết, đoàn kết toàn nhân loại. Việc Liên Hiệp Quốc chọn ngày 20/3 là Ngày Quốc tế Hạnh phúc, còn vì đây là ngày đặc biệt trong năm, khi mặt trời nằm ngang đường xích đạo, nên trong ngày này có độ dài ngày và đêm bằng nhau - là biểu tượng cho sự cân bằng, hài hòa của vũ trụ.

Đến nay, đã có 193 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam cùng cam kết ủng hộ, hành động, tích cực và nỗ lực nhiều hơn để xây dựng một thế giới đại đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng xã hội công bằng, phát triển bền vững, đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

4. Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26/3)

Lịch sử ra đời của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh: Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã giành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn.

Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở nước ta xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở.

Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng nước ta; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vô cùng kính yêu - Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn. Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1961 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn hàng năm. Ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.

Từ ngày 26/3/1931 đến nay, để phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng thời kỳ cách mạng, Đoàn đã đổi tên nhiều lần:

- Từ 1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương

- Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương

- Từ 11/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương

- Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam

-Từ 25/10/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam

- Từ 2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh

- Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

5. Ngày Thể thao Việt Nam (27/3)

Ngay sau khi cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bác cũng là người khai sinh nền TDTT của chế độ mới. Ngày 30-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ liên hiệp lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương trong Bộ Thanh niên. Với mục tiêu “xét vấn đề thể dục rất cần thiết để tăng bổ sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam”, Sắc lệnh nêu rõ: Nha thể thao TW có nhiệm vụ “liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Quốc gia giáo dục để nghiên cứu và thực hành thể dục trong toàn quốc”.

Gần hai tháng sau, căn cứ theo quyết định của Quốc dân đại hội VN (Quốc hội khoá 1) họp ngày 2-3-1946 định sự tổ chức của Chính phủ liên hiệp kháng chiến, thay mặt Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 38 thiết lập Nha Thanh niên và Thể dục trong Bộ Quốc gia giáo dục. Nha gồm có Phòng Thanh niên TW và Phòng Thể dục TW. Trên thực tế, với những quy định của Bộ Quốc Gia giáo dục, Phòng Thể dục TW đảm nhiệm toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Nha Thể dục TW cũ.

Cũng trong ngày 27-3-1946, trên các báo Cứu Quốc, Việt Nam khỏe và nhiều tờ báo khác đăng lời “Hồ Chủ tịch hô hào đồng bào tập thể dục: Sức khoẻ và thể dục”. Trong bài viết, Người kêu gọi: “Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới làm thành công. Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân khỏe mạnh tức là cả nước khỏe mạnh. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước…”

Ngày 29/1/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ký Quyết định số 25/CT lấy ngày 27/3 hằng năm làm “Ngày Thể thao Việt Nam”. Quyết định ghi rõ Ngày Thể thao Việt Nam được tổ chức hằng năm nhằm thu hút mọi tầng lớp nhân dân và phong trào rèn luyện thân thể và các hoạt động thể thao văn hóa lành mạnh. Ngày 27/3/1946 chính thức là ngày thành lập ngành thể dục thể thao Việt Nam.

Đây là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh đầu tiên về xây dựng nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới, thể hiện tập trung tư tưởng Hồ Chí Minh về TDTT phục vụ sức thịnh. Theo lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, nhiều nơi trong cả nước dấy lên phong trào khoẻ vì nước, dần dần đưa TDTT trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

6. Ngày Thành lập lực lượng Dân quân tự vệ (28/3)

Ngày 28 tháng 3 năm 1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất ra “Nghị quyết về đội tự vệ” được coi là ngày thành lập Dân quân tự vệ Việt Nam. Trong lịch sử phát triển của dân quân tự vệ đã gắn liền với sự nghiệp giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ năm 1935 đến năm 1945, các đội tự vệ ở cả nông thôn và thành thị ra đời, làm nòng cốt cho quần chúng thực hiện vũ trang khởi nghĩa, tiến hành chiến tranh du kích, xây dựng và mở rộng các căn cứ địa. Tháng 8 năm 1945, lực lượng dân quân tự vệ đã cùng toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa giành độc lập. Sau ngày 02 tháng 9 năm 1945, dân quân tự vệ trở thành lực lượng vũ trang của Nhà nước Việt Nam độc lập, một trong ba thứ quân của lực lượng vũ trang nhân dân, được tổ chức rộng khắp ở các làng xã, đường phố trong cả nước, thực sự là công cụ bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ thành quả cách mạng. Ngày nay, lực lượng dân quân tự vệ được phát triển cả về chất lượng, số lượng, biên chế trang bị. Tổ chức, biên chế tinh gọn hơn nhưng chất lượng tổng hợp của dân quân tự vệ được nâng cao, đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ mới.

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, là một thành phần của Lực lượng Vũ trang nhân dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý điều hành của Chính phủ và của uỷ ban nhân dân các cấp, sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của cơ quan quân sự địa phương, có trách nhiệm bảo vệ chính quyền, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước ở cấp xã, cơ quan, tổ chức.

Trong thời bình, dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt có nhiệm vụ vừa lao động sản xuất, vừa đóng vai trò xung kích trong bảo vệ sản xuất, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, địch hoạ và các sự cố nghiêm trọng khác, đồng thời phối hợp với lực lượng an ninh cơ sở giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện góp phần xây dựng khu vực phòng thủ địa phương ngày càng vững chắc. Ở biên giới, biển, đảo, dân quân tự vệ phối hợp với Bộ đội Biên phòng giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh biên giới của Tổ quốc.

Trong thời chiến, dân quân tự vệ là lực lượng chiến lược của chiến tranh nhân dân, làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phối hợp với các lực lượng khác bảo vệ địa phương, đơn vị theo kế hoạch tác chiến của khu vực phòng thủ. Dân quân tự vệ có trách nhiệm thực hiện phòng thủ dân sự trong thời bình và thời chiến theo qui định của pháp luật.

Trải qua quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Dân quân tự vệ là lực lượng nòng cốt, đã hết lòng trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với sự nghiệp cách mạng của Đảng, chiến đấu kiên cường, mưu trí, dũng cảm; lao động, học tập, công tác hiệu quả, sáng tạo và đã lập nhiều chiến công to lớn.

Dân quân tự vệ Việt Nam xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân quân tự vệ và du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là một lực lượng vô địch, là bức tường sắt của Tổ quốc, vô luận kẻ địch hung bạo thế nào hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì địch nào cũng phải tan rã”./.

Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Phòng Dân số - Truyền thông, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận