Mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ

1. Khái niệm tỷ số giới tính khi sinh

Là số trẻ trai sinh ra còn sống so với 100 trẻ gái sinh ra còn sống trong một khoảng thời gian nhất định, thường là một năm tại một quốc gia, một vùng hay một tỉnh.

2. Khái niệm Mất cân bằng giới tính khi sinh

Mất cân bằng giới tính khi sinh là số trẻ trai sinh ra còn sống cao hơn hoặc thấp hơn ngưỡng bình thường so với 100 trẻ gái. Mất cân bằng giới tính khi sinh xảy ra khi tỷ số giới tính nam khi sinh lớn hơn 107 hoặc nhỏ hơn 103 so với 100 trẻ nữ.

3. Nguyên nhân dẫn đến chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh

3.1. Nhóm nguyên nhân cơ bản

Tâm lý ưa thích con trai ăn sâu trong tâm thức nhiều người:

- Coi con trai là người nối dõi tông đường, gia phả dòng họ ở nhiều nơi chỉ có tên con trai, tập quán con trai thờ cúng tổ tiên, cha mẹ.

- Coi đàn ông là trụ cột gia đình, con mang họ cha, con trai là người kế thừa tài sản của gia đình.

- Coi con trai làm chỗ dựa cho bố mẹ khi về già, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, coi con gái sau khi kết hôn về nhà chồng là "con người ta"…

3.2. Nhóm nguyên nhân phụ trợ

Do áp lực giảm sinh, mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1 - 2 con nhưng các cặp vợ chồng lại mong muốn trong số đó phải có con trai. Vì vậy, họ đã sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính trước sinh như một cứu cánh để đáp ứng được cả 2 mục tiêu trên. Do nhu cầu phát triển kinh tế gia đình công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức lao động cơ bắp của con trai; con trai là trụ cột về kinh tế cho cả gia đình. Do chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, hiện nay trên 70% dân số nước ta còn sống ở nông thôn, hầu hết không có lương hưu khi về già, họ cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cái mà theo quan niệm của xã hội hiện nay, trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về con trai, vì thế họ sẽ cảm thấy lo lắng và rất không an tâm cho tương lai khi chưa có con trai. Chính sách ưu tiên đối với nữ giới cũng chưa thật thỏa đáng.

3.3. Những nguyên nhân trực tiếp

Lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện lựa chọn giới tính trước sinh như:

- Áp dụng ngay từ trước lúc có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn,…);

-  Trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y,…);

- Khi đã có thai (sử dụng siêu âm, bắt mạch, chọc hút dịch ối,…) để chẩn đoán giới tính, nếu là thai trai thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi ....

4. Hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh

- Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng dân số và kéo theo đó là những hệ lụy cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.

- Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ dẫn đến thiếu hụt phụ nữ và “dư thừa” đàn ông, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn.

- Việc gia tăng TSGTKS làm tăng thêm sự bất bình đẳng giới như: Nhiều phụ nữ phải kết hôn sớm hơn, tỷ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ tăng cao, gia tăng sự bất bình đẳng giới về mọi mặt chính tri, kinh tế xã hội và gia đình, tình trạng bạo hành giới, bất bình đẳng giới, các tệ nạn xã hội gia tăng như: Mại dâm, HIV/AIDS, buôn bán phụ nữ, trẻ em, tội phạm xuyên quốc gia.

Ngoài ra, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa. Đối với những ngành nghề vốn được xem là thích hợp với phụ nữ như giáo viên mầm non, tiểu học, y tế, may mặc … cũng trở lên thiếu vắng nữ lao động.

Như  vậy, những vấn đề dân số, nhất là tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh có tác động, hệ lụy lâu dài, có khi từ đời này sang đời khác nếu không có giải pháp quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ thì thế hệ tương lai sẽ gánh chịu hậu quả nặng nề.

5. Chúng ta phải làm gì để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

5.1. Chấp hành nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác Dân số - Sức khỏe sinh sản, nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

5.2. Tăng cường truyền thông giáo dục, vận động để người dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi, trong đó đặc biệt chú trọng tới truyền thông trực tiếp với cách tiếp cận và thông điệp phù hợp với từng nhóm đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, chuyển đổi thái độ và hành vi của toàn xã hội, của những người đứng đầu các dòng họ, những người cung cấp dịch vụ liên quan tới lựa chọn giới tính thai nhi và đặc biệt là các cặp vợ chồng về hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

5.3.  Lồng ghép truyền thông về Mất cân bằng giới tính khi sinh gắn với nhiệm vụ chính trị của tổ bản tiểu khu, gắn với các nội dung thi đua, đưa vào quy ước, hương ước, trong xây dựng tổ, bản, tiểu khu văn hóa hàng năm.

5.4. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, trường PTTH, PTCS, … trên địa bàn triển khai đồng bộ, đầy đủ các nội dung về chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về Dân số - SKSS/KHHGĐ, về bình đẳng giới và đặc biệt là các văn bản chỉ đạo, các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh và các hoạt động can thiệp giảm thiểu về “Mất cân bằng giới tính khi sinh”.

5.5. Chủ động rà soát nắm chắc số đối tượng có hai con gái, đối tượng có nguy cơ sinh con thứ 3 trên địa bàn, để tuyên truyền vận động không sinh con thứ 3 và không lựa chọn giới tính thai nhi khi sinh.

5.6. Thường xuyên, kịp thời cập nhật kiến thức, kỹ năng, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ công tác Dân số để nâng cao năng lực triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn./.

Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Phòng Dân số - Truyền thông, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận