Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023

Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm

Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang đến gần, đây là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, bên cạnh việc gia tăng sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, một số đối tượng đã lợi dụng để sản xuất, kinh doanh các thực phẩm là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần chấp hành đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm với một số nội dung sau:

1. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng: Đảm bảo đầy đủ các hồ sơ pháp lý, tài liệu liên quan theo quy định về an toàn thực phẩm và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ, người tham gia sản xuất, chế biến, tiếp xúc với thực phẩm; Không sử dụng phụ gia, phẩm màu độc hại trong sản xuất thực phẩm; Bảo đảm và duy trì vệ sinh nơi kinh doanh, chế biến thực phẩm; Bảo quản thực phẩm theo đúng hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất thực phẩm và chỉ kinh doanh những loại thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn cho người tiêu dùng; Tuyệt đối không buôn bán hàng thực phẩm giả, thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

2. Để tất cả mọi người, mọi nhà đều được đón một cái Tết an toàn, vui tươi, hạnh phúc thì mỗi người dân hãy sáng suốt lựa chọn những thực phẩm sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tuân thủ 10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm như:

- Chọn thực phẩm an toàn: Chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn; Nấu chín kỹ thức ăn: Nấu chín kỹ hoàn toàn thức ăn, là bảo đảm nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C; Ăn ngay sau khi nấu: Hãy ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe; Bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín: Muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại; Nấu lại thức ăn thật kỹ: Các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại; Tránh nhiễm khuẩn chéo giữa thức ăn chín và sống: Thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn; Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi ăn;Giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; Che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác: Che đậy giữ thực phẩm trong hộp kín, chạn, tủ kính, lồng bàn...Sử dụng nguồn nước sạch an toàn: Nước không màu, mùi, vị lạ và không chứa mầm bệnh.

- Đặc biệt, để phòng ngừa ngộ độc rượu bia trong dịp Tết, người dân tuyệt đối không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật không rõ độc tính hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân; Không uống rượu khi không biết đó là rượu gì, rượu không có nguồn gốc, rượu không công bố tiêu chuẩn chất lượng, rượu được pha từ cồn công nghiệp.

Cùng vui tết đón xuân, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái lựa chọn, sử dụng thực phẩm an toàn, không sử dụng thực phẩm không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất sứ để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình mình./.

Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Khoa Dân số - Truyền thông - CSSKSS, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận