Chăm sóc sức khỏe Người cao tuổi

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là trách nhiệm của các thế hệ trong gia đình, của cộng đồng và toàn thể xã hội. Để người cao tuổi được sống khỏe, sống vui, hạn chế bệnh tật là điều mong muốn không chỉ của người cao tuổi, mà còn là mong muốn của cả gia đình và xã hội.

Người cao tuổi hay người cao niên hay người già là những người lớn tuổi, thường có độ tuổi khoảng từ 60 trở lên "người cao tuổi có công sinh thành, nuôi dưỡng, giáo dục con cháu về nhân cách và vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội".

I. MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VỀ NGƯỜI CAO TUỔI

1. Quá trình lão hóa

Quá trình lão hóa xảy ra từ từ trong toàn bộ cơ thể, thể hiện bằng sự suy giảm các chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Tiến độ lão hóa không giống nhau giữa các bộ máy và người này với người khác.

Một số biện pháp hạn chế lão hóa:

- Không sống bừa bãi và thiếu trách nhiệm lúc còn trẻ.

- Tránh thói quen xấu: nghiện thuốc lá, rượu, cờ bạc, lười vận động…

- Phát hiện bệnh sớm và chữa bệnh kịp thời, đúng đắn.

- Ăn uống hợp lý phù hợp sức khỏe và điều kiện.

2. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Người cao tuổi thường coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất do vậy phải quan tâm, chú ý giữ tinh thần luôn khỏe, sức khỏe tinh thần tốt. Tinh thần vốn là phần thăng hoa, tinh tế của mối người nên vai trò tự chăm sóc sức khỏe tinh thần càng quan trọng.

Tự chăm sóc sức khỏe tinh thần rất khó nhưng cũng rất dễ nếu biết sử dụng kinh nghiệm sống với tự nâng cao nhận thức. Khi xuất hiện những biểu hiện sức khỏe tinh thần sa sút, cần tự tìm hiểu, suy nghĩ, lý giải sâu sắc nguyên cớ, suy nghĩ theo phương châm “tiên trách kỷ”, “Một điều nhịn, chín điều lành”, đề cao chữ “Nhẫn”, chắc chắn phần lớn sẽ tự giải quyết được, bệnh sẽ dần tiêu tan và trở thành người khỏe mạnh.

3. Tổ chức đời sống gia đình và chăm sóc sức khỏe tinh thần

Gia đình có ảnh hưởng lớn đối với đời sống mối cá nhân đặc biệt với người cao tuổi. Gia đình là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần cho người cao tuổi: “già cậy con”.

Tuy nhiên cần phải tổ chức đời sống gia đình có 2,3 thế hệ sao cho hợp tình, hợp lý. Như:

- Có nơi sinh hoạt riêng cho người già: thoáng mát, rộng rãi, gần gũi với con cháu.

- Bữa ăn cần mang nhiều ý nghĩa về tinh thần hơn vật chất.

- Trong sinh hoạt: không quá gò bó cần tôn trọng sở thích của người già.

- Không ngăn cản người gia “đi bước nữa”, tuy nhiên người cao tuổi cần cân nhắc kỹ càng.

4. Những điều cần biết trong sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi

Để có thể sống được khỏe mạnh lâu hơn, người cao tuổi cần phải nắm được những điều đơn giản sau đây:

- Về ngủ và nghỉ: Ngủ sớm và dạy sớm tốt hơn, trước khi đi ngủ nên ngâm chân nước ấm, xoa bóp các đầu ngón tay, ngón chân; không tắm trước khi đi ngủ. Nằm ngủ không gối đầu cao, không thay đổi đột ngột tư thế nằm. Khi ngủ dậy nên xoa bóp các khớp, nếu thấy khác thường như tê nửa người, bại một bên tay, chân nên nằm nghỉ và mời bác sỹ đến khám.

- Về tắm rửa: Cần làm quen với sự thay đổi nhiệt độ. Tuyệt đối không dội ngay nước vào gáy và cột sống. Không nằm, ngồi dưới quạt, sàn nhà khi vừa tắm xong. Không tắm khi mồi hôi còn ướt…

- Về đại tiện: Tạo thói quen đi đại tiện hàng ngày. Có thể gây phản xạ bằng cách xoa bụng từ phải sang trái, uống 1 cốc nước hoặc 1 ly sữa. Có thể thay đổi tư thế ngồi để cơ trơn hậu môn dễ mở hơn. Đứng lên từ từ, không đứng dậy ngay, nếu chóng mặt phải vịn vào chỗ nào đó chờ hết chóng mặt mới đứng lên.

+ Nếu hay bị chóng mặt thì đi tiểu tiện cũng phải vị vào chỗ nào đó. Đi tiểu đêm dễ xảy ra tai biến mạch máu não. Tốt nhất nên có bô để cạnh giường tiện tay với.

+ Nếu đại tiểu tiện có vấn đề cần phải đi khám ngay (nam giới hay bị phì đại tuyến tiền liệt).

- Nằm và ngồi:

+ Tránh ngồi nơi gió lùa, nếu có gió thì nên để thổi sau lưng. Khi lên xuống cầu thang thấy khó thở so với hôm trước cần đi khám bệnh. Bị ho kéo dài quá 15 hôm phải đi khám bệnh.

+ Khi đi lại, làm việc chú ý giữ cho lưng thẳng.

- Khi đi ngoài trời: Không để đầu trần, không để vấp ngã, nên ngậm một ít gừng giữ ấm cổ (lúc trời lạnh). Khi có người gọi không quay người ngay và mạnh dễ bị chóng mặt và ngã.

- Luyện tập: tạo cho cơ thể bền bỉ dẻo dai, tuy nhiên cần phải phù hợp với người cao tuổi. Nên đi bộ, tập thái cực quyền… hoạt động thể lực và trí lực cần vừa đủ, đều đặn, không quá sức.

5. Dinh dưỡng cho người cao tuổi

- Hạn chế ăn nhiều đường, muối, chất béo có hại, giảm ăn thịt, nội tạng động vật, không ăn quá no, uống quá nhiều bia rượu.

- Tăng ăn rau, hoa quả tươi chín, cá tươi, đạm thực vật: đậu, lạc, vừng (bổ sung dinh dưỡng, chống lão hóa có chọn lọc).

- Năng vận động

- Chú ý ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.

6. Người cao tuổi với việc sử dụng thuốc

- Thuốc chỉ có tác dụng khi sử dụng đúng loại thuốc cho từng loại bệnh.

- Dùng đúng liều lượng, đúng thời gian (theo hướng dẫn của bác sỹ)

- Thực hiện đúng cách dùng để tránh tác dụng phụ (ăn gì, kiêng gì, uống trước hay sau bữa ăn).

- Không tự ý uống thuốc không theo đơn hoặc liều thuốc. Không cả tin nghe theo mách bảo của người khác mà phải theo lời dặn của thày thuốc hoặc kinh nghiệm dùng thuốc của bản thân.

7. Tự theo dõi sức khỏe ở người cao tuổi

- Cần theo dõi: Cân nặng, huyết áp động mạch, mạch. Nên có sổ tự theo dõi sức khỏe nếu có bệnh mãn tính,

- Những dấu hiệu chủ quan cần quan tâm, nếu có phải đi khám ngay:

+ Triệu chứng đau.

+ Mệt mỏi kéo dài, vô cớ, không muốn hoạt động.

+ Ăn ngủ thất thường (chán ăn, ngủ ít hoặc ngủ li bì)

+ Lên hoặc sút cân nhanh chóng.

+ Rối loạn tiểu tiện (đái dắt, đái khó, bí đái).

+ Xuất hiện u cục ở bụng, hạch bên cổ, vú, bẹn…

+ Khó thở (lúc đi lại, lên cầu thang, khi nằm nghỉ)

+ Thay đổi mầu sắc da (Vàng, xám).

+ Xuất huyết (ho ra máu, nôn ra máu, phân đen…).

8. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống

- Trạng thái tâm lý vui vẻ.

- Kinh tế ổn định.

- Ăn uống hợp lý.

- Duy trì hoạt động thể chất- tâm trí: nên thực hiện 3 nửa phút và 3 nửa giờ:

+ Ba nửa phút: Nửa phút nằm trên giường cho tinh thần tỉnh hẳn, nên kết hợp thổ sâu, chậm, xo bóp mặt, đầu… Nửa phút từ từ ngồi dậy, kết hợp thở sâu, vươn vai. Nửa phút chạm 2 chân tới sàn nhà rồi mới đứng dậy đi lại.

+ Ba nửa giờ: Nửa giờ vận động buổi sáng, đi bộ nhanh hoặc tập thể dục đều. Nửa giờ ngủ trưa. Nửa giờ đi bộ buổi tối.

- Giữ vệ sinh

- Thuật dưỡng sinh trong hoạt động tình dục: Không quá đam mê, khi quan hệ tình dục phải biết cách kiềm chế xuất tinh sớm bằng các bài tập thở, rèn luyện tâm trí và biết thư giãn…

- Cuộc sống gia đình ấm cúng.

- Lối sống lành mạnh.

- Phát hiện sớm bệnh mạn tính ở người cao tuổi.

- Một số xét nghiệm chính người cao tuổi nên thực hiện hàng năm:

+ Xác định chức năng thận, bệnh tiểu đường, bệnh gút, bệnh gan, bệnh xơ vữa động mạch.

+ Trong một số trường hợp đặc biệt: Chụp Xquang: bệnh loãng xương, lao. Siêu âm Doppler: bệnh van tim, xơ vữa động mạch phổi, động mạch cảnh. Điện tâm dồ: bệnh tim. Đo huyết áp theo định kỳ ở người bị cao huyết áp.

II. MỘT SỐ BỆNH THƯỜNG GẶP Ở NGƯỜI CAO TUỔI VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

1. Bệnh về xương khớp

Ở người cao tuổi luôn xảy ra quá trình lão hóa, khi đó, các chứng năng cũng như cấu tạo khớp đều có sự thay đổi. Xương, khớp kém linh động hơn, tế bào khớp bị thoái hóa, sụn khớp bị mỏng dần và rách, gân, dây chằng cũng bị phân đoạn, đóng vôi, kém co giãn, kém bền bỉ. Sụn đục màu, hóa xơ, không bảo vệ được các đầu xương khiến xương cọ xát vào nhau gây đau. Bên cạnh đó, xương dễ bị rạn nứt với nhiều tinh thể canxi làm khớp đau.

* Nguyên nhân

- Gen là nguyên nhân chính gây ra nhiều dạng bệnh lí trong đó có bệnh viêm xương khớp.

- Một số dạng viêm xương khớp gây nên do viêm nhiễm vi trùng và vi khuẩn từ các phần khác trên cơ thể đều có thể gây bệnh.

- Cuộc sống căng thẳng và nhiều stress làm mất cân bằng hormone trong cơ thể gây giảm khả năng miễn dịch với những vi khuẩn có hại, tăng nguy cơ bị bệnh xương khớp.

- Các bệnh khớp mạn tính như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, viêm dây chằng, lao cột sống, ung thư cột sống…

- Người thừa cân, béo phì dẫn đến trọng lượng đè lên khớp xương nhiều; lúc trẻ tuổi liên tục bị chấn thương ở khớp (Chơi thể thao quá sức), mang vác nặng dẫn đến gây đau xương khớp ở người cao tuổi.

- Nghề nghiệp phải ngồi lâu, đứng lâu hay sai tư thế, ít vận động như nhân viên văn phòng, thợ may, lái xe đường dài… dẫn đến thiếu máu nuôi màng hoạt dịch, gân, cơ, xương khớp do bị chèn ép cũng mắc bệnh xương khớp lúc về già.

* Cách phòng bệnh đau xương khớp

- Có chế độ ăn uống, chế độ tập luyện hợp lý.

- Ăn bổ sung các thực phẩm giàu acid béo omega-3 (có trong các loại cá như cá hồi, cá mòi, cá thu… và các loại hạt đậu, lạc, vừng), các loại hoa quả giàu vitamin D như cam, bưởi, ớt đỏ… để ngăn chặn sự mất sụn. Ngoài ra, cần bổ sung canxi, vitamin D, B, E hỗ trợ xương khớp không bị suy thoái.

- Tập luyện thể dục thể thao nhẹ nhàng như tập dưỡng sinh, đi bộ … Những người thừa cân, béo phì thì nên giảm trọng lượng.

2. Bệnh về tim mạch

Bệnh về tim mạch là một trong những căn bệnh thường gặp và gây nguy hiểm tới tính mạng người cao tuổi.

Một số căn bệnh phổ biến về tim mạch người cao tuổi hay mắc phải như:

- Huyết áp cao

- Nhồi máu cơ tim

- Xơ vữa động mạch vành

- Tai biến mạch máu não…

* Nguyên nhân

- Do chế độ ăn uống không hợp lí khi bạn ăn quá nhiều các đồ ăn với hàm lượng chất béo cao.

- Chưa có một chế độ luyện tập thể dục hợp lí;

- Hút nhiều thuốc lá;

- Bệnh béo phì: béo phì dẫn đến mỡ thừa, cholesterol  tăng cao trong máu;

- Đái tháo đường: bệnh tim có thể là một trong những biến chứng của bệnh đái tháo đường.

* Cách phòng tránh bệnh tim mạch ở người cao tuổi

Bệnh tim mạch là một trong những bệnh thường gặp ở người cao tuổi. Nếu biết cách phòng tránh thì có thể đảm bảo được sức khỏe cho bản thân, không để xảy ra biến chứng xấu. Dưới đây là cách phòng tránh bệnh tim mạch ở người cao tuổi.

- Chế độ ăn uống: Người cao tuổi nên ăn nhiều đó là các loại rau, mè, đậu phộng, đậu nành, uống thêm sữa để phòng chống bệnh loãng xương. Người cao tuổi nên ăn ít cơm, ít tinh bột, ăn nhiều cá thay cho thịt. 

Trong ngày nên chia nhỏ các bữa ăn thành nhiều bữa và lựa chọn những thực phẩm dễ tiêu.

- Luyện tập thể dục: Bên cạnh chế độ ăn uống, người cao tuổi nên thường xuyên luyện tập thể dục, cách luyện tập tốt nhất là nên đi bộ 30 phút mỗi ngày. Việc tập thể dục đều đặn và vận động một cách hợp lý sẽ giúp hệ tim mạch hoạt động tốt, ổn định huyết áp, cải thiện chức năng hô hấp, giảm lượng mỡ thừa. Người cao tuổi có thể tạo thành một nhóm tập các động tác dưỡng sinh vào mỗi buổi sáng sớm.

- Khám sức khỏe định kỳ: Bệnh tim mạch dễ dẫn tới đột tử, do đó người cao tuổi nên khám sức khỏe theo định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe liên tục, thường xuyên, phát hiện và xử lý kịp thời khi tình trạng bệnh chưa nặng.

- Nên kiêng rượu bia, thuốc lá: Rượu bia và thuốc lá là những thứ người già cần phải kiêng tuyệt đối. Đặc biệt là thuốc lá bởi vì trong khói thuốc có chứa chất nicotin làm cho các mạch máu co lại, tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Ngoài ra, thuốc lá cũng làm tăng lượng mỡ xấu, giảm lượng mỡ tốt trong cơ thể, nghiên cứu đã cho thấy những người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn gấp 2-4 lần những người không hút thuốc lá.

- Đi khám bác sĩ khi phát hiện triệu chứng bất thường: Người cao tuổi phát hiện mình mắc một trong số những triệu chứng dưới đây thì cần phải đi khám bác sĩ ngay:

+ Triệu chứng của suy tim: Thấy mệt mỏi khi vận động, khó thở khi gắng sức, đau ở sườn bên phải, xưng phù mu bàn chân.

+ Dấu hiệu của loạn nhịp tim: Nhịp tim đập lúc nhanh, lúc chậm, nhịp tim không đều ….

+ Dấu hiệu đau thắt ngực: Người bệnh sẽ có cảm giác như bị bóp nghẹt giữa ngực khi xúc động mạnh hoặc gắng sức, có thể bị tê tay trái kèm theo khó thở, vã mồ hôi (Đây thường là biểu hiện của thiếu máu và nhồi máu cơ tim). Khi rơi vào tình trạng này, người bệnh cần vào viện khám và nhập viện càng sớm càng tốt mới có thể điều trị kịp thời và thành công.

Bệnh tim mạch nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời có thể dẫn tới những hậu quả đáng tiếc. Vì thế,  người cao tuổi hãy luôn sát sao với sức khỏe của bản thân, đi thăm khám và điều trị kịp thời khi phát hiện ra triệu chứng khác thường. 

3. Bệnh về đường tiêu hóa ở người cao tuổi

Người cao tuổi chức năng hệ tiêu hóa và men tiêu hóa của hệ đường ruột bị suy giảm đáng kể gây ra tình trạng sôi bụng, đầy hơi, đi ngoài ra phân lỏng hoặc táo bón …..

* Nguyên nhân

- Tuổi cao là nguyên nhân khiến chức năng cơ học của hệ tiêu hóa bị suy yếu, khiến răng yếu không nhai được thức ăn, thực quản yếu khiến người già hay bị nghẹn, chức năng của ruột và dạ dày bị suy giảm khiến việc tiêu hóa và vận chuyển thức ăn bị chậm.

- Chức năng tiết dịch tiêu hóa như nước bọt, dịch vị, dịch mật, dịch tụy, dịch ruột ở người già bị suy giảm đáng kể khiến quá trình tiêu hóa thức ăn chậm và kém đi.

- Tuổi già cũng khiến các lớp niêm mạc đường tiêu hóa bị suy yếu dẫn đến tình trạng hấp thu chất dinh dưỡng kém.

*Cách phòng tránh bệnh rối loạn tiêu hóa

Để phòng tránh mắc chứng rối loạn tiêu hóa, mọi người cần phải thực hiện các nguyên tắc sau:

+ Sử dụng dầu thực vật thay cho mỡ động vật trong nấu ăn.

+ Không ăn nhiều các loại thịt đỏ khó tiêu như thịt cừu, thịt trâu, thịt bò…

+ Bổ sung thêm chất đạm bằng cách ăn tôm, cá, thịt lợn và các loại dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành.

+ Ăn thực phẩm lành mạnh, đảm bảo vệ sinh, ăn chín uống sôi chứ không được ăn gỏi sống và thức ăn tái vì chúng dễ gây đầy hơi và chướng bụng.

+ Không ăn quá nhiều đồ ăn trong một bữa, nếu thấy đói có thể ăn nhiều bữa trong ngày để cung cấp năng lượng cho cơ thể.

+ Tập trung vào việc ăn, không được vừa ăn vừa xem tivi, hoặc vừa ăn vừa nói chuyện để tránh bị nghẹn, bị sặc khi ăn.

+ Không uống rượu bia, cà phê vì những loại đồ uống này dễ gây chướng bụng, đầy hơi và ợ hơi.

+ Duy trì thói quen vận động, tập thể dục mỗi ngày, lựa chọn hình thức tập phù hợp với thể chất để giúp cải thiện chức năng hệ tiêu hóa, giúp người già có cảm giác thèm ăn.

4. Bệnh viêm đường hô hấp

Lúc thời tiết chuyển mùa người cao tuổi rất hay mắc phải một số bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản.

*Nguyên nhân

- Nghiện hút thuốc lá, thuốc lào: Thuốc lá, thuốc lào khi hút vào đường hô hấp sẽ gây tổn thương các nhu mô phổi, do đó, làm tăng nguy cơ bội nhiễm.

- Môi trường ô nhiễm: Nhiều bụi, khói của bếp than, bếp củi, bếp dầu, nhà ở chật chội, không thông thoáng … làm cho người cao tuổi dễ mắc các bệnh về đường hô hấp, nhất là vào mùa lạnh.

- Một số bệnh mạn tính: Huyết áp, đái tháo đường, bệnh về rối loạn nội tiết cũng là những lý do làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp vào mùa lạnh ở người cao tuổi.

* Phòng bệnh  hô hấp lúc giao mùa ở người cao tuổi

Để phòng tránh các loại bệnh về đường hô hấp, người cao tuổi cần chú ý mặc đủ ấm, ngủ ấm, tránh gió lùa. Khi nhiệt độ thay đổi đột ngột từ nóng chuyển sang lạnh hoặc lạnh chuyển sang rét đậm thì người cao tuổi nên hạn chế ra khỏi nhà lúc sáng sớm. Tuy nhiên, vẫn có thể tập thể dục hoặc đi lại, vận động thân thể ở trong nhà. Khi cần thiết phải ra khỏi nhà cần mặc ấm, cổ cần có khăn và đầu cần có mũ, tốt nhất là dùng loại mũ bịt cả hai tai. 

Người cao tuổi nên định kỳ đi khám bệnh để được tư vấn những điều cần thiết về bảo vệ sức khỏe.

- Vệ sinh họng, miệng sạch sẽ hàng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy; Súc họng bằng nước muối sinh lý (có thể tự pha chế). Những trường hợp dùng răng giả, cần vệ sinh răng giả thật sạch sẽ, không để bám dính nhiều cặn thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi sinh vật cho đường hô hấp. 

- Cần bỏ thuốc lá, thuốc lào nhất là những NCT đã bị các bệnh mạn tính như viêm họng, viêm phế quản, hen suyễn, viêm xoang. Thuốc lá, thuốc lào ngoài gây các bệnh về đường hô hấp còn có khả năng làm nặng thêm nhiều bệnh khác như bệnh về tim mạch (tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim...) cho nên không nên hút và nếu bỏ được thì rất tốt cho sức khỏe

- Mùa lạnh, người cao tuổi cũng cần tắm rửa hàng ngày hoặc một tuần vài lần. Tốt nhất là tắm nước ấm nhưng cũng cần tắm nhanh, lau khô người mới mặc quần áo sạch. Trước lúc tắm, nên chuẩn bị sẵn các loại quần áo sạch, khăn lau người để nhanh chóng mặc ấm sau tắm. Nếu không tự chuẩn bị được thì cần nhờ người nhà hoặc người giúp việc hỗ trợ.

+ Đối với người cao tuổi mắc bệnh mạn tính hoặc bị tai biến mạch não, người nhà thường xuyên trợ giúp vỗ lưng tránh ứ đọng dịch tiết hô hấp gia tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

+ Khi người cao tuổi có các biểu hiện nghi ngờ cần đưa ngay đến điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh nhân sẽ được chẩn đoán chính xác cũng như xác định các bệnh căn bản kèm theo để có hướng điều trị thích hợp. Thời điểm điều trị càng sớm và thích hợp thì khả năng hồi phục cũng như giảm đi tỷ lệ tử vong càng nhiều.

III. CÁCH CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

1. Cách chăm sóc sức khỏe tim mạch

Những thói quen không tốt, chế độ ăn uống không phù hợp, không tập thể dục và căng thẳng thường xuyên là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim ở bất kỳ độ tuổi nào. Sau đây là một số cách hữu ích:

1.1. Hạn chế thực phẩm nhiều chất béo: Những loại thực phẩm chiên rất ngon miệng nhưng có thể không tốt cho tim. Để cải thiện sức khỏe tim, bạn cần phải hạn chế hết mức những loại thực phẩm nhiều dầu mỡ trong chế độ ăn hằng ngày. Hãy bổ sung những a xít béo lành mạnh như omega 3, vốn có nhiều trong một số loại cá.

1.2. Kiểm soát cholesterol: Cholesterol xấu là một trong những nguyên nhân gây đông máu và đau tim. vì thế phải kiểm soát mức cholesterol một cách chặt chẽ (xét nghiệm máu định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần).

1.3. Giảm cân: là việc kiểm soát cân nặng của bản thân. Tình trạng thừa cân làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.

1.4. Tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày có tác dụng thúc đẩy sự lưu thông máu, tránh được các bệnh tim mạch và cải thiện được sức khỏe toàn diện.

1.5. Ngừng hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, bệnh phổi và ung thư phổi.

1.6. Tập yoga: Sự căng thẳng và trầm uất là 2 nguyên nhân chính gây bệnh tim. TậpYoga làm thư giãn cơ thể, trí óc và tâm hồn, trái tim khỏe mạnh.

1.7. Giảm muối: Giúp kiểm soát huyết áp cũng như bảo vệ tim khỏi nguy cơ bệnh tật, góp phần duy trì sức khỏe.

1.8. Chú ý triglyceride: Đây là một loại lipid tương tự cholesterol hiện diện trong máu. Mức triglyceride cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và bệnh tiểu đường.

Nên hạn chế những thực phẩm có chất triglyceride: Ăn ít nội tạng động vật, vịt xiêm ngan, thì bò, cừu, chó, dê,..; Tăng lượng chất xơ ; Tránh các loại thức ăn có chứa nhiều đường cao như kẹo, nước ngọt có ga, trà xanh đóng chai,.. Chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (GI) như các loại đậu và các loại ngũ cốc nguyên hạt;  Ăn nhiều cá hơn; giảm rượu bia; giảm trọng lượng cơ thể, béo bụng;  Không hút thuốc lá

1.9. Quan tâm đến tuyến giáp: Bệnh suy chức năng tuyến giáp có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nó làm xơ cứng các động mạch chủ và làm tăng rủi ro mắc bệnh tim.

2.  Các cách giúp bảo vệ xương

Cách 1: Bù đắp lượng xương đã mất: Xương thường ngừng phát triển trước tuổi 30, sau đó chúng thực hiện cuộc “tái cấu trúc” 7 năm một lần. Lượng hormone estrogen giảm sau tuổi mãn kinh cũng làm giảm canxi, dẫn đến mất xương. Nguồn canxi tốt nhất là sữa ít béo (kể cả sữa chua và phô mai), rau xanh, cá mòi, ngũ cốc, nước ép trái cây. Nếu không bảo đảm nguồn thực phẩm đó, nên dùng viên bổ sung canxi 500mg.

Cách 2: Bổ sung vitamin D: Vitamin D cần thiết cho xương vì nó hỗ trợ cấu trúc xương và thúc đẩy hấp thu canxi, theo nghiên cứu cho biết hơn một nửa số người trưởng thành bị thiếu hụt nguồn dưỡng chất này. Cơ thể tự tạo ra vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng, tuy nhiên  cũng cần nguồn thực phẩm giàu vi chất này, chẳng hạn dầu cá, cá hồi, cá ngừ, sữa hoặc sữa chua bổ sung vitamin D ít béo, trứng (đặc biệt là lòng đỏ).

Cách 3: Giảm caffeine: Các chuyên gia khuyên không nên vượt quá 300mg caffeine một ngày, tương đương khoảng 2 – 3 tách cà phê. Đừng quên caffeine cũng có thể “ngụy trang” trong nước tăng lực, cũng như một số loại thuốc và thực phẩm chức năng.

Cách 4: Tập yoga: Tập yoga mỗi ngày vừa thư giãn tinh thần vừa là cách bảo vệ xương hữu hiệu. Kết quả nghiên cứu với hai nhóm bệnh nhân loãng xương cho thấy, nhóm có tập yoga 10 phút mỗi ngày tăng mật độ xương hông và cột sống trong khi nhóm không tập yoga lại càng thêm loãng xương. Yoga còn tăng khả năng giữ thăng bằng, do đó giảm nguy cơ té ngã. Nếu cảm thấy sức yếu, bạn có thể tập những bài nhẹ nhàng.

Cách 5: Đừng quá chén: Rượu có thể ảnh hưởng xấu đến các tế bào tạo xương. Tuy nhiên, một lượng vừa phải trong một ly sẽ không nguy hiểm. Đừng uống quá mức, đặc biệt khi bạn đã có tuổi.

Cách 6: Đừng… ngã: Một nửa số ca gãy tay là ở cánh tay. Chấn thương này chủ yếu do té ngã. Nhóm tuổi trên 45 chiếm số lượng lớn nhất, và nữ chiếm hơn hai phần ba số ca vì họ dễ bị loãng xương hơn.

Cách 7: Thận trọng với thuốc: Nhiều loại thuốc thông  thường có thể ảnh hưởng đến mật độ xương, ví dụ thuốc trị viêm khớp, hen suyễn hay thuốc trị các bệnh dạ dày và tiêu hóa. Nên hỏi ý kiến bác sĩ khi phải dùng những loại thuốc trên.

Cách 8: Đo mật độ xương: Theo điều tra, rất ít người có nhu cầu đo mật độ xương. Do đó hầu hết không biết mình có nguy cơ loãng xương hay không. Những người trên 50 tuổi và từng bị gãy xương do té ngã, cần đo mật độ xương ngay. Nếu chưa từng bị gãy xương thì muộn nhất là 65 tuổi phải tiến hành đo mật độ xương.

Cách 9: Hạn chế giảm cân: Giảm cân quá mức hoặc ăn uống thiếu chất cũng có thể gây hại cho xương vì có thể “tước đoạt” chất protein mà xương cần.

Cách 10: Ăn: Chọn các loại cá giàu acid béo Omega-3 và chất béo không bão hòa tốt cho tim mạch và xương như: ăn nhiều cá, dầu olive và ít thịt đỏ.

Cách 11: Bỏ thuốc lá: Chất nicotine trong thuốc lá gây tác hại đến các tế bào tạo xương (nên bỏ hút thuốc). Theo nghiên cứu, mật độ xương của người một năm không hút thuốc nhiều hơn hẳn so với  người hút thuốc thường xuyên.

Cách 12: Vận động: Tập thể dục làm dáng đẹp mà còn giúp xương khỏe (Các vận động viên thể thao có mật độ xương cao hơn người bình thường 15%).

Các bài tập vừa phải như nâng tạ nhẹ hoặc đi bộ nhanh cũng giúp chống mất xương, đồng thời làm cho cơ khỏe, giữ thăng bằng tốt, khỏi té ngã. Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày (Nếu không thể tập 30 phút một lần, hãy chia ra 3 lần, mỗi lần 10 phút trong ngày).

3. Những cách đơn giản giúp giảm huyết áp

3.1. Hãy vận động: Hãy để ra khoảng 30 phút mỗi ngày để tập thể dục như đi xe đạp, đi bộ hoặc có thể dùng máy chạy bộ … Những cách trên sẽ giúp tăng cường sức khỏe cho trái tim. Ngoài ra còn giúp ngăn chặn được sự phát triển của cân nặng, là chìa khóa giúp kiểm soát huyết áp.

3.2. Một chế độ ăn hợp lý: Những người đã mắc bệnh về huyết áp cao khi thực hiện chế độ ăn hợp lý giúp kiểm soát tốt sự tăng, giảm của huyết áp.

3.3. Ăn khoáng chất: Ăn giảm bớt muối, ăn nhiều trái cây và rau giúp giảm huyết áp một cách tự nhiên và an toàn. Những món ăn như bí xanh, bí đỏ, chuối …  chứa nguồn kali tốt cho cơ thể.

3.4. Hãy thưởng thức Chocolate: Chocolate  hoặc một ly ca cao nóng mỗi ngày có thể làm giảm huyết áp một cách tự nhiên. Chất chống oxy hóa có trong sô- cô- la được cho là chìa khóa giúp kiểm soát bệnh huyết áp.

3.5. Nghe nhạc: Chỉ 30 phút của âm nhạc cổ điển mỗi ngày kết hợp với thở bụng chậm có thể làm  giảm áp lực máu, giảm huyết áp đáng kể.

4. Chữa bệnh mất ngủ không cần thuốc

 Thuốc là sự lựa chọn cuối cùng đối với bệnh mất ngủ. Trước khi sử dụng thuốc người bệnh có thể thử một số biện pháp như:

* Những việc không nên làm:

- Không nên cố cưỡng lại cảm giác buồn ngủ. Khi buồn ngủ nên đi ngủ ngay.

- Không nên ăn tối quá muộn (ăn tối sau 8 giờ). Ăn tối muộn khiến dạ dày phải hoạt động và làm việc, ảnh hưởng tới việc tiết hormon gây buồn ngủ.

- Bữa tối không nên ăn nhiều dầu mỡ, dẫn tới khó tiêu, đầy bụng sẽ ảnh hưởng tới giấc ngủ.

- Không lạm dụng chất kích thích như: cà phê, thuốc lá, rượu, bia vì những chất này là nguyên nhân khiến thần kinh căng thẳng, khó đi vào giấc ngủ.

- Trước khi ngủ không nên chơi các môn thể thao vận động mạnh.

- Hạn chế xem các bộ phim quá hấp dẫn, đọc những câu chuyện quá nhiều cảm xúc gây kích thích thần kinh sẽ khiến khó ngủ hơn.

* Những việc nên làm

-  Đi ngủ và thức dậy đúng giờ. Thực hiện thói quen này một cách đều đặn.

- Chú ý đến phòng ngủ: phòng ngủ có nhiệt độ thích hợp, ánh sáng hợp lý, yên tĩnh để tránh bị thức giấc trong khi ngủ.

- Nên tắm bằng nước ấm, ngâm chân bằng nước ấm 30 phút trước khi ngủ giúp tuần hoàn máu, lưu thông khí huyết tốt hơn.

- Ngoài ra nên làm chủ cảm xúc của mình, điều này rất quan trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới giấc ngủ.

IV. CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN NGƯỜI CAO TUỔI

1. Đối với Nam giới:

Đối với nam giới, ở độ tuổi 50 nhiều nam giới đã bắt đầu cảm nhận những biến đổi về sinh lý tình dục; các đáp ứng tình dục trở nên chậm hơn và thất thường, quá trình thay đổi này diễn biến từ từ, biểu hiện một phần bởi giảm thiểu một phần sinh lý.

 * Một số rối loạn hay gặp

 - Rối loạn ham muốn tình dục: Sự suy giảm ham muốn tình dục ở nam giới từ tuổi trung niên trở đi thường có nguyên nhân từ sự giảm nồng độ hormon sinh dục nam testosteron – một hormon có tác dụng duy trì ham muốn tình dục.

 - Rối loạn xuất tinh: là một trong những rối loạn chức năng tình dục hay gặp nhất ở nam giới ( sự mất kiểm soát và duy trì sự xuất tinh ….).

 - Rối loạn cực khoái: Cực khoái là trạng thái sung sướng, ngây ngất cao độ khi đạt đỉnh trong quan hệ tình dục. Đối với nam giới, cực khoái thường xảy ra cùng với việc xuất tinh.

 - Rối loạn cương dương: là hiện tượng bệnh lý không đạt được sự cương cứng dương vật. Sự suy giảm hormon sinh dục testosteron trong máu và dùng nhiều các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, ma túy cũng là nguyên nhân gây rối loạn cương và giảm ham muốn tình dục ở nam giới.

* Việc cần làm khi bị rối loạn tình dục

Với những người bị rối loạn tình dục thì việc cần làm ngay là hiểu đúng về tình trạng bệnh của mình, không nên lo lắng nhiều quá, cần tìm hiểu để trang bị kiến thức giúp giải quyết các nguyên nhân từ lối sống không hợp lý, sử dụng các chất kích thích ảnh hưởng đến sinh lý tình dục. Đối với những người mắc các bệnh mạn tính hoặc sử dụng thuốc kéo dài thì cần tham khảo ý kiến của thầy thuốc khi có các rối loạn tình dục gặp phải cũng như biện pháp khắc phục.

Tình trạng bệnh diễn tiến nặng hay nhẹ có liên quan rất nhiều đến tâm lý người bệnh, khi đó cần có sự động viên, giúp đỡ của người bạn tình của mình, cùng nhau chia sẻ những vấn đề gặp phải trong chuyện chăn gối giúp người bệnh giải tỏa được những lo lắng và tự tin hơn trong cuộc “yêu” của mình. Ngoài ra, các bài tập làm tăng trương lực cơ vùng chậu có thể giúp bạn trong tăng hiệu quả điều trị cũng như khiến các cơn cực khoái được kéo dài và mạnh hơn.

2. Đối với Nữ giới:

Mãn kinh là biểu hiện đầu tiên của sự già ở phụ nữ, tuổi mãn kinh trung bình là 45-52 tuổi. Ở phụ nữ sự suy giảm chức năng sinh dục diễn ra với những biểu hiện rõ ràng và mạnh mẽ. Ở giai đoạn này có nhiều thay đổi cả về thể chất và tâm thần, đặc biệt là về lĩnh vực sức khỏe sinh sản cần có sự quan tâm đặc biệt của gia đình và xã hội.

2.1. Những rối loạn thường gặp sau tuổi mãn kinh

- Mãn kinh là hết hẳn kinh nguyệt sau 1 năm, đây là sự chấm dứt thời kỳ hoạt động sinh sản nhưng vẫn còn duy trì đời sống tình dục. Nguyên nhân mãn kinh là do hai buồng trứng suy tàn, ngừng hoạt động, không tiết ra các hormone Estrogen và Progesteron nên người phụ nữ không còn hành kinh nữa.

- Thời kỳ trước và sau mãn kinh 1 năm được gọi là quanh mãn kinh, thời kỳ này có thể kéo dài 5-7 năm.

- Một số rối loạn thường gặp ở giai đoạn này:

* Cơn bốc hỏa: Cảm giác nóng bừng ở ngực, lan lên cổ và mặt, cảm giác này lặp lại nhiều lần trong ngày, kéo dài từ vài chục giây đến vài phút làm người phụ nữ rất khó chịu

* Ra mồ hôi: Thường xuất hiện sau cơn bốc hỏa, toàn thân toát mồ hôi, hay gặp vào ban đêm

* Choáng váng, nhức đầu, buồn nôn, đánh trống ngực, chóng mặt…

Đây là những triệu chứng biểu hiện sự rối loạn vận mạch do thiếu hụt estrogen

* Da khô, mỏng, nhăn nheo do mất lớp mỡ dưới da…

* Thay đổi về sinh dục, tiết niệu:

+ Bộ phận sinh dục teo nhỏ, âm đạo giảm tiết chất nhờn nên khô, giao hợp đau làm giảm nhu cầu tình dục

+ Dễ bị viêm âm đạo do tạp khuẩn vì pH âm đạo thay đổi

+ Tiểu tiện nhiều lần, đái són vì cơ bàng quang yếu

* Kinh nguyệt thay đổi: Chu kỳ dài ra hay ngắn lại, không đều, ra máu giữa kỳ kinh, rong kinh, rong huyết..

* Tinh thần không ổn định, hay cáu gắt, lo lắng, mệt mỏi..

2.2. Những biến cố thường gặp sau mãn kinh

- Loãng xương: do thiếu estrogen làm giảm khả năng lắng đọng canxi vào xương nên xương giòn, xốp, dễ gãy, đặc biệt các xương dài.

+ Lún đốt sống do loãng xương ở thân đốt sống gây đau lưng, còng lưng, chèn ép rễ thần kinh

+ Dễ tổn thương các xương dài do ngã, chấn thương, đặc biệt là xương cổ tay và cổ xương đùi. Biến chứng gãy cổ xương đùi gây nguy hiểm khi nằm bất động lâu dẫn đến bội nhiễm làm giảm tuổi thọ và chất lượng sống.

- Biến cố tim mạch: Nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đặc biệt là tăng huyết áp và bệnh mạch vành tăng lên nhiều sau mãn kinh do mất đi vai trò bảo vệ của estrogen đối với sự tăng các chất gây lắng đọng thành mạch.

- Các loại bệnh khác: Chủ yếu là ung thư phụ khoa như ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng…

2.3 Vệ sinh, chăm sóc sức khỏe sinh sản người mãn kinh và người cao tuổi

 Mục đích của chăm sóc sức khỏe sinh sản người cao tuổi là giúp họ có cuộc sống thoải mái, dễ chịu, hạnh phúc và có chất lượng hơn

-  Những vấn đề chung:

+ Có chế độ lao động, dinh dưỡng, nghỉ ngơi thích hợp.

+ Quan tâm đến đời sống tình cảm, tránh mặc cảm, cô đơn..Tăng cường sự quan tâm chăm sóc của các thành viên trong gia đình, tiến tới sự quan tâm chăm sóc của toàn xã hội.

+ Chăm sóc đời sống tinh thần, lựa chọn hình thức sinh hoạt tinh thần phù hợp: đọc sách báo, sinh hoạt câu lạc bộ..

+ Chế độ luyện tập thích hợp: dưỡng sinh, đi bộ..

+ Duy trì công việc cụ thể tùy sức khỏe và hoàn cảnh của từng người

+ Chăm sóc về y tế: khám sức khỏe định kỳ, tầm soát phát hiện sớm các bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư niêm mạc tử cung bằng cách khám phụ khoa định kỳ, làm phiến đồ âm đạo kết hợp với siêu âm và chụp Xquang vú. Dùng thuốc an thần, nâng cao thể trạng, liệu pháp hormone thay thế trong những trường hợp bệnh nhân có nhu cầu và chỉ định.

- Chế độ dinh dưỡng:

+ Cung cấp đầy đủ năng lượng ( 2000 Kcal/ngày)

+ Khẩu phần cân đối: tăng cường Protid thực vật, chất béo chứa acid béo không no, giảm đường, mỡ.. Tăng cường vitamin và khoáng chất

+ Đặc biệt qua tâm đến bổ sung đầy đủ canxi trong khẩu phần ăn: sữa giàu canxi, hoa quả tươi…

- Chế độ sinh hoạt, luyện tập:

+ Lao động nhẹ nhàng, lựa chọn công việc phù hợp sức khỏe và hoàn cảnh

+ Các chế độ luyện tập nhẹ nhàng, duy trì đều đặn: dưỡng sinh, đi bộ, các môn thể thao nhẹ

+ Chú y vấn đề nhà ở, giao thông đi lại, đảm bảo an toàn tránh sang chấn

- Tình dục ở người cao tuổi:

+ Cung cấp đầy đủ thông tin về tình dục cho người cao tuổi để họ hiểu rõ và hiểu đúng về nhu cầu tình dục người cao tuổi, tránh mặc cảm.

+ Nên duy trì tình dục với những hình thức khác nhau, đảm bảo nhu cầu về tình cảm nhưng phù hợp với sức khỏe.

+ Nếu cần thiết có thể sử dụng các biện pháp hỗ trợ: kem bôi estrogen để bôi trơn niêm mạc âm đạo, thuốc đặt tại chỗ có chứa estrogen..

+ Đảm bảo vệ sinh khi sinh hoạt tình dục, tránh viêm nhiễm, chấn thương sinh dục..

- Tư vấn về SKSS cho người cao tuổi:

+ Chủ động thông tin về thời kỳ tắt dục và các rối loạn sẽ đến để họ chủ động đón nhận, tránh các sang chấn tinh thần.

+ Giáo dục tư vấn về sức khỏe tình dục ở người cao tuổi

+ Lắng nghe và chia xẻ các vấn đề khó khăn, lo lắng, tranh thủ mọi cơ hội, phương pháp để cung cấp thông tin, biện pháp khắc phục, nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Lại Thị Thu Hương
Lại Thị Thu Hương

Khoa Dân số - Truyền thông - CSSKSS, TTYT huyện Sông Mã

Bình luận0 bình luận