Công ước về các vùng đất ngập nước (gọi tắt là Công ước Ramsar) là một hiệp ước liên chính phủ được thông qua ngày 02 tháng 02 năm 1971 tại thành phố Ramsar ở phía bờ nam biển caspian của Iran. Để kỷ niệm sự kiện quan trọng này, các quốc gia thành viên Công ước đã chọn ngày 02/02 hàng năm là Ngày Đất ngập nước Thế giới.
Công ước Ramsar với sứ mạng “Bảo tồn và sử dụng một cách khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới”, hiện nay đã có 172 quốc gia tham gia.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên trở thành thành viên của Công ước Ramsar từ năm 1989. Trong thời gian qua, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước để thực hiện trách nhiệm quốc gia thành viên. Việt Nam xây dựng hành lang pháp luật về quản lý đất ngập nước như: Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29/7/2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước, Thông tư số 07/2020/TTBTNMT ngày 31/8/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết các nội dung tại điểm c khoản 1 Điều 31 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP; quy hoạch thành lập mới 47 khu bảo tồn đất ngập nước đến năm 2030, đề cử công nhận được 09 khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (khu Ramsar) gồm: Vườn quốc gia Xuân Thủy (Nam Định), Khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu nằm trong Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai), Vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn), Vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp), Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An), Vườn quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang), Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (Cà Mau), Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình).
Các vùng đất ngập nước có vai trò rất quan trọng trong việc cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho con người, từ lọc nguồn nước và cung cấp nước, đến bảo vệ chúng ta khỏi bão và lũ lụt, duy trì đa dạng sinh học và lưu trữ carbon. Xu hướng biến mất và suy thoái của đất ngập nước đang ngày càng nghiêm trọng. Các vùng đất ngập nước đang biến mất nhanh gấp ba lần so với rừng và hơn 35% diện tích đất ngập nước đã bị suy thoái hoặc biến mất tính từ năm 1970.
Trước thực trạng trên, Ban thư ký Công ước Ramsar đã đề nghị các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới vào ngày 02/02/2023 với chủ đề “Hãy phục hồi đất ngập nước ngay từ hôm nay - Hơn 35% diện tích đất ngập nước tự nhiên đã bị mất trong 50 năm qua. Lựa chọn, tiếng nói và hành động của bạn thúc đẩy xu hướng phục hồi đất ngập nước” nhằm nêu bật nhu cầu cấp thiết phải ưu tiên phục hồi các vùng đất ngập nước và kêu gọi tất cả mọi người thực hiện các hành động để phục hồi đất ngập nước bị suy thoái.
Hiện nay Việt Nam đang nỗ lực thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021-2030 ban hành theo Quyết định số 1975/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu cụ thể đến năm 2030:
(1) Tất cả các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được tổ chức điều tra, đánh giá, quản lý, quan trắc, giám sát theo quy định tại Nghị định số 66/2019/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước và hướng dẫn của Công ước Ramsar;
(2) Cả nước có 15 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar;
(3) Tăng số lượng các khu bảo tồn đất ngập nước;
(4) Phục hồi được ít nhất 25% vùng đất ngập nước quan trọng bị suy thoái;
(5) Các vùng đất ngập nước quan trọng trên toàn quốc được kiểm soát có hiệu quả việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất và phát triển các hoạt động, chương trình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường;
(6) Chi trả dịch vụ hệ sinh thái đối với vùng đất ngập nước quan trọng được áp dụng tại khu bảo tồn đất ngập nước, khu Ramsar;
(7) Năng lực và trang thiết bị cho các tổ chức, cá nhân làm công tác bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng được tăng cường./.