Ngày 26/9/2007, với sự liên minh của 11 tổ chức phi chính phủ và các Hiệp hội Khoa học và Y khoa quốc tế quan tâm đến sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản đã thống nhất phát động lấy ngày 26/9 hàng năm là Ngày Tránh thai Thế giới, lần đầu tiên được tổ chức năm 2007 tại Châu Âu.
Mục tiêu của Ngày tránh thai Thế giới nhằm cải thiện nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng xã hội đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên, thanh niên (VTN/TN), phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ về tất cả các biện pháp tránh thai (BPTT) để giúp họ có sự lựa chọn sáng suốt về sức khỏe giới tính và sức khỏe sinh sản.
Hiện nay, dân số Việt Nam là hơn 96 triệu người. Tỷ lệ tăng dân số từ trên 2%/năm 1993 đã giảm xuống còn 1,07% năm 2017. Theo Tổng cục Thống kê cho biết, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) là trên 24,2 triệu người. Trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng thêm khoảng gần 1 triệu người. Trong những năm tới, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49) vẫn sẽ tiếp tục gia tăng và dự báo sẽ đạt cực đại vào năm 2027 - 2028. Trong khi đó, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai năm 2017 là 76,5%, trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65,4%. Các kết quả công tác DS-KHHĐ đạt được đó góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng các biện pháp phòng tránh thai tiếp tục tăng, đặc biệt lứa tuổi vị thành niên, thanh niên cần được quan tâm hơn. Họ là những đối tượng phải đương đầu với nhiều nguy cơ và thách thức liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục như: Họ thiếu kiến thức, kỹ năng cần thiết để chăm sóc bản thân. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến; tỷ lệ vô sinh, nhất là vô sinh thứ phát đang có chiều hướng gia tăng, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ còn một số hạn chế.
Giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về KHHGĐ chính là một trong những cách thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất với chi phí thấp nhất. Phòng tránh thai mang lại nhiều lợi ích:
1. Chủ động trong việc sinh con. Lợi ích của việc phòng tránh thai sẽ giúp phụ nữ chủ động trong việc sinh đẻ của mình như chủ động trong thời gian sinh đẻ, khoảng cách sinh và số lượng con sinh ra.
2. Tránh được những tai biến sản khoa và không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhờ việc không sinh con sớm, quá dày, quá nhiều hay quá muộn, đặc biệt khi người phụ nữ chưa phát triển đầy đủ cả về thể chất lẫn sinh lý nên sẽ hạn chế được các tai biến cho bà mẹ và thai nhi. Đẻ quá muộn thì làm tăng tỉ lệ dị tật thai. Đẻ quá nhiều và dày khiến cho phụ nữ hao mòn, dễ bị tai biến khi sinh đẻ, thậm chí là chết lưu và suy dinh dưỡng…
3. Phòng tránh thai giúp nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình: Lợi ích của việc phòng tránh thai giúp mỗi gia đình có đủ 2 con, không sinh quá nhiều. Từ đó, có điều kiện để chăm sóc, giáo dục con cái tốt hơn. Nâng cao được đời sống, kinh tế của mỗi gia đình. Do có sức khỏe, văn hóa và kinh tế tốt, chị em phụ nữ và các cặp vợ chồng có đủ điều kiện để thực hiện quyền hưởng thụ và bồi dưỡng sức khỏe tình dục, SKSS.
Các thông điệp:
- Phụ nữ cần nắm vững thông tin về các biện pháp tránh thai để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.
- Phá thai không phải là biện pháp tránh thai. Hãy chủ động sử dụng biện pháp tránh thai để phòng mang thai ngoài ý muốn.
- Hãy tham gia tư vấn tránh thai để tránh mang thai ngoài ý muốn.
- Kế hoạch hóa gia đình là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cặp vợ chồng.
- Sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp là bảo vệ sức khỏe sinh sản.
- Không có biện pháp tránh thai nào là tốt nhất cho tất cả mọi người mà cần tư vấn tránh thai để giúp bạn lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp.
- Thực hiện gia đình hai con, để nuôi khỏe dạy con ngoan và có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.